Tại sao không để doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng hàng không?
Cần phải công bằng với nhau
TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông vận tải cho rằng, hiện thị trường hàng không đang quá tải, đòi hỏi phải mở rộng thêm các sân bay, hoặc đầu tư xây dựng các sân bay mới sau khi đã tính toán kỹ.
Trao đổi với Nhadautu.vn liên quan đến việc phát triển hạ tầng trong lĩnh vực hàng không để giảm tắc nghẽn tại các sân bay như hiện nay ông Thủy khẳng định, cần phải có vốn để đầu tư phát triển các sân bay, nhưng vốn hiện này thì chủ yếu từ các doanh nghiệp tư nhân, có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, Việt Nam đã có 22 sân bay đều do doanh nghiệp nhà nước quản lý, nhưng chỉ mới có mỗi sân bay Vân Đồn là của tư nhân đầu tư. Thế nên, xây dựng sân bay thế nào cũng cần phải có một quy hoạch chung để phù hợp, Bộ Giao thông vận tải là đơn vị phải đứng ra chủ trì.
Ông Thủy đặt vấn đề, việc mở rộng sân bay nào, đầu tư xây dựng mới như thế nào, và tư nhân tham gia đầu tư vào sân bay nào, hay các nhà đầu tư tư nhân có thể đấu thầu sòng phẳng với cơ quan quản lý nhà nước để trở thành chủ dự án hay không?.
Ông Thuỷ lấy ví dụ, một số sân bay hiện nay lại chỉ định thầu cho doanh nghiệp nhà nước, đơn cử là sân bay Long Thành (chỉ định thầu cho ACV làm chủ đầu tư – PV?) với lý do là vì an ninh quốc phòng. "Nhưng tôi nghĩ rằng tư nhân cũng là người Việt Nam, là những con người rất yêu nước, chúng ta có một bộ máy quản lý đứng phía sau tại sao lại không để họ tham gia?", ông Thủy nói.
"Tôi cho rằng làm như vậy là không thuyết phục, cần phải để tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng hàng không lớn, nếu doanh nghiệp của họ có năng lực thì có quyền đấu thầu, chúng ta nên mở rộng ra và phải đưa vị trí doanh nghiệp tư nhân lên là một trong nhưng yếu tố động lực để phát triển kinh tế - xã hội", ông Thủy nói thêm.
Ông Thuỷ cho rằng, cần phải công bằng với nhau trong mọi hoạt động kinh tế, không thể dùng từ doanh nghiệp nhà nước mới là động lực còn doanh nghiệp tư nhân chỉ mới là yếu tố quan trọng được. "Những năm qua nếu không có các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào đầu tư thì nên kinh tế đất nước không thể đạt được kết quả như hiện tại hay không?", ông Thuỷ nêu câu hỏi.
Các hành khách bị ùn ứ khi làm thủ tục
Để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào mở cửa bầu trời
Bình luận về xã hội hoá hạ tầng hàng không với Nhadautu.vn, PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống - một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực này cho rằng, đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải chỉ xã hội hóa đầu tư toàn cảng với 3 sân bay (Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị), đồng thời chỉ xã hội hoá một số hạng mục không thiết yếu tại 22 cảng do ACV chủ trì thực hiện là tuỳ tiện, thiếu cơ sở pháp lý, thiếu cơ sở lý luận và không có hệ thống. Vì ACV đang là công ty cổ phần, không phải công ty nhà nước để thay mặt nhà nước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư.
Ông Tống cho hay, có hai vấn đề chính cần phân tích thật rõ trong đề xuất này của Bộ Giao thông Vận tải, đó là nguyên tắc sở hữu và quản lý điều hành hoạt động sân bay và nguyên tắc hợp tác công - tư trong đầu tư và sở hữu sân bay.
Theo ông Tống, việc hợp tác công - tư này chủ yếu là giữa chính quyền địa phương, vùng miền hay quốc gia với các hãng hàng không, các công ty sân bay, các công ty hạ tầng giao thông trong nước và quốc tế vốn có kinh nghiệm về quản lý và điều hành hoạt động sân bay, chứ không phải đơn thuần là nhà đầu tư có vốn.
Vị chuyên gia này cho biết, theo kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, chỉ các sân bay quốc tế có quy mô lớn và tốc độ phát triển nhanh mới có khả năng thu hút đầu tư tư nhân để phát triển, còn các sân bay nội địa quy mô nhỏ khó thu hút đầu tư tư nhân để xây dựng và phát triển vì khả năng có lợi nhuận không cao, thậm chí bị lỗ.
Trong khi đó, TS. Lương Hoài Nam, thành viên tổ tư vấn du lịch - người đã có rất nhiều năm nghiên cứu về kinh tế hàng không - nhận định việc chỉ định sử dụng vốn xã hội hóa để đầu tư và nâng cấp toàn diện sân bay Chu Lai là động thái "bật đèn xanh", từng bước cụ thể hóa chủ trương cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia vào mở cửa bầu trời, mà Chính phủ đã nhiều lần khẳng định nhưng chưa làm được.
Theo ông Nam, trong bối cảnh hạ tầng sân bay Việt Nam đang quá tải nghiêm trọng như hiện nay, tận dụng nguồn lực từ xã hội, từ khu vực kinh tế tư nhân là điều tất yếu để hoàn thiện hạ tầng, đột phá hàng không, du lịch. Cụ thể, cả nước hiện có 22 sân bay dân dụng, trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Tổng công suất toàn mạng sân bay đạt 90,4 triệu lượt khách/năm, nhưng năm 2018 đã được khai thác phục vụ gần 105 triệu lượt khách. Cả 3 sân bay quốc tế lớn nhất của nước ta đều đang quá tải.
"Ngân sách nhà nước không thể đủ kham nổi việc hoàn thiện hạ tầng sân bay một cách nhanh chóng. Với một nền du lịch và vận tải hàng không phát triển đầy năng động như ở nước ta trong vài chục năm gần đây, việc phát triển hạ tầng sân bay dựa vào chỉ một doanh nghiệp sân bay như ACV (Tổng công ty Cảng hàng không) là bất hợp lý và bất khả thi. Để gỡ nút thắt hạ tầng sân bay, không có cách nào khác là kêu gọi nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân. Xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay ở nước ta cần trở thành một chủ trương xuyên suốt và có quy định cụ thể, rõ ràng cho từng dự án", ông Nam nhấn mạnh.