Tạm thắng dịch Covid-19, Vũ Hán khó vực dậy nền kinh tế suy sụp

17/05/2020 15:10 GMT+7
Cho đến nay, chưa có đánh giá toàn diện nào về tác động của đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp địa phương. Nhưng dễ thấy, tất cả các ngành kinh tế của Vũ Hán đang quay cuồng vì hệ lụy từ dịch bệnh.
Tạm thắng dịch Covid-19, Vũ Hán khó vực dậy nền kinh tế sụp đổ - Ảnh 1.

Kinh tế Vũ Hán chưa thể vực dậy sau dịch Covid-19

Kang Wei, một người lao động nhập cư 30 tuổi đã rời Hoàng Cương đến Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc năm ngoái để tìm việc làm. Những tưởng may mắn đã mỉm cười khi Kang được nhận vào làm tại một văn phòng chính quyền địa phương với hợp đồng kéo dài một năm. Nhưng dịch Covid-19 kéo đến đã làm tan vỡ mọi hy vọng.

Kang Wei đã mắc kẹt ở Vũ Hán 2 tháng liền khi thành phố trở thành tâm dịch Covid-19 của Trung Quốc. Sau dịch, người đàn ông lại phải vật lộn tìm kiếm việc làm mới, và rồi được nhận vào vị trí bảo vệ cho một trang trại. Nhưng chỉ một tuần sau, Kang tiếp tục bị sa thải do trang trại cắt giảm chi phí sản xuất.

Kang Wei không phải người duy nhất vật lộn tìm kiếm việc làm sau đại dịch. Không có con số thống kê chính thức về tỷ lệ thất nghiệp tại Vũ Hán, nhưng tăng trưởng GDP thành phố trong quý I/2020 đã chứng kiến mức -40,5% do nhiều tuần phong tỏa kiểm dịch. 

Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc được báo cáo hồi tháng 3/2020 là 5,9%, tương đương khoảng 29 triệu người, giảm nhẹ từ mức thất nghiệp kỷ lục 6,2% hồi tháng 2. Nhưng nhiều nhà quan sát chỉ ra rằng các số liệu này có vẻ như chưa phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh của thị trường lao động, do chưa tính đến lao động nhập cư và lao động tại các vùng nông thôn.Hồi tháng Hai, Zhang Bin - một nhà kinh tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ước tính rằng có đến 80 triệu người Trung Quốc có thể mất việc vào đầu tháng 3. 

Cho đến nay, chưa có đánh giá toàn diện nào về tác động của đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp địa phương. Nhưng dễ thấy, tất cả các ngành kinh tế của Vũ Hán đang quay cuồng vì hệ lụy từ dịch bệnh. 

Chủ nhà hàng Zhang Feihu đã gặp cú sốc lớn khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa chỉ hai ngày trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thời điểm bận rộn nhất trong năm. Ông Zhang đã đặt mua 80.000 CNY (hơn 260 triệu đồng) nguyên liệu thực phẩm cho nhà hàng, để phục vụ đồ ăn đóng hộp cho công nhân, kỹ sư ở Guanggu - khu công nghiệp công nghệ cao của thành phố. Cho đến khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, số thực phẩm này phải bỏ đi toàn bộ.

Ông Zhang Feihu cho hay ngay cả khi nền kinh tế dần phục hồi, nhu cầu ăn uống và du lịch vẫn chưa trở lại. Người dân vẫn tránh xa các nhà hàng và trung tâm mua sắm vì lo sợ dịch bệnh tái bùng phát. Một số khu dân cư vẫn bị phong tỏa khi hàng loạt trường hợp nhiễm Covid-19 mới bất ngờ được phát hiện tại Vũ Hán. “Tôi chỉ kiếm được khoảng 300 CNY mỗi ngày”. 

Hồi đầu tháng, nhiều chủ nhà hàng đã xuống đường kêu gọi, yêu cầu giảm tiền thuê cơ sở khi doanh thu kiếm được không đủ bù đắp chi phí. Nhưng cảnh sát địa phương ngay sau đó đã giải tán đám người do lo ngại tụ tập đám đông gây bùng phát dịch bệnh. Không có khách hàng, hơn 20 nhà hàng ở Guanggu quyết định tiếp tục đóng cửa.

Một blogger nổi tiếng Trung Quốc là Ziquan đã thực hiện một cuộc khảo sát trên ứng dụng mạng xã hội WeChat về việc các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng ra sao sau đại dịch Covid-19. Ban đầu, Ziquan cho rằng chỉ những ngành công nghiệp như giải trí, du lịch, ẩm thực bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Nhưng kết quả khảo sát trên hàng nghìn người dùng cho thấy hầu như mọi lĩnh vực kinh tế đều bị ảnh hưởng theo các cách khác nhau, từ giáo viên mẫu giáo cho đến diễn viên đóng thế, huấn luyện viên thể hình, nhà thiết kế smartphone, chủ doanh nghiệp xuất khẩu…

Chính quyền thành phố Vũ Hán đã cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ bằng cách khuyến khích giảm giá thuê nhà, hoãn nộp thuế và giảm các hóa đơn điện nước… Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi từ các khoản hỗ trợ như vậy, và phải “tự lực cánh sinh” để vượt qua giai đoạn tồi tệ này.

Không những doanh nghiệp lao đao, nông dân Vũ Hán cũng điêu đứng vì không thể bán được nông sản. Họ phải nhờ đến lực lượng tình nguyện viên, những người đang thiết lập kênh livestream bán hàng để quảng bá sản phẩm dưới sự trợ giúp của các blogger nổi tiếng và chính quyền địa phương. 

Zhu Aobing, một trong những tình nguyện viên đang giúp đỡ nông dân Zigui - một thị trấn cách Vũ Hán khoảng 400km - bán nông sản cho hay: “Tôi thất hàng trăm thùng cam chất đống trong kho và hư hỏng trong khi nông dân lo lắng bàn bạc cách bán hàng”. Trước đây, họ có thể bán tới 50.000 kg cam mỗi tháng. Nhưng sau khi đại dịch bùng phát, họ chỉ bán được khoảng 1.000 kg dù có sự hỗ trợ từ các kênh livestream. Nhiều khách hàng lo sợ nông sản từ Vũ Hán có thể mang mầm bệnh virus, nên việc tiêu thụ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục