dd/mm/yyyy

Tân Uyên nâng cao độ che phủ rừng

“Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã và đang đi vào cuộc sống cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Tân Uyên (Lai Châu). Nếu không có chính sách này, chắc chắn những cánh rừng ở Tân Uyên không xanh tốt như bây giờ. Tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn huyện không ngừng lên” – ông Nguyễn Sỹ Cảnh – Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên khẳng định.

Huyện Tân Uyên có tổng diện tích đất tự nhiên là 89.732,88 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 62.895,5 ha. Sau 6 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỷ lệ che phủ rừng của huyện tăng từ 26% (năm 2012) lên 38,25% vào cuối năm 2017. Gần 120 bản, thuộc 10 xã, thị trấn của huyện Tân Uyên được giao khoán bảo vệ rừng.

Năm 2008, huyện Tân Uyên được thành lập trên cơ sở chia tách huyện Than Uyên cũ thành 2 huyện: Than Uyên, Tân Uyên. Cũng giống như Than Uyên, Tân Uyên trước đây vốn được coi là chảo lửa của tỉnh Lai Châu bởi cháy rừng liên tiếp xảy ra, nhất là vào mùa khô hanh.

Lực lượng chức năng đi kiểm tra công tác trồng rừng.
Lực lượng chức năng đi kiểm tra công tác trồng rừng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Đoàn – Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên, cho biết: Từ năm 2012 đổ về trước, cứ vào mùa hanh khô là lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ lại “ăn không ngon, ngủ không yên” vì lo lắng cháy rừng xảy ra.

“Những năm đó, tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ rừng diễn biến phức tạp. Ý thức giữ rừng, phát triển rừng của người dân chưa cao. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy diễn ra phổ biến, cộng thêm nhiều vụ cháy rừng xảy ra khiến cho diện tích rừng trên địa bàn huyện giảm đáng kể” – ông Đoàn nhớ lại.

Cũng theo ông Đoàn, từ khi có chính sách chi trả DVMTR, ý thức giữ rừng của người dân đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Nhân dân các dân tộc trong huyện tích cực hơn trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Số vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng giảm đáng kể. Mấy năm gần đây, trên địa bàn huyện Tân Uyên không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Không chỉ bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, nhiều hộ dân còn tích cực tham gia trồng rừng, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Ông Nguyễn Sỹ Cảnh – Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên phấn khởi cho biết: Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn huyện, giúp cho những cánh rừng của huyện ngày càng xanh tốt. Đây là một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân các dân tộc trong huyện đồng tình ủng hộ.

Người dân Tân Uyên hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR.
Người dân Tân Uyên hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR.

Để chính sách chi trả DVMTR sớm đi vào cuộc sống, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên còn đặc biệt quan tâm tới việc chi trả tiền DVMTR cho người dân. “Hàng năm, Ban quản lý rừng phòng hộ Than Uyên giao khoán diện tích rừng cho các bản bảo vệ. Bản cử người đại diện (trưởng bản) đứng ra ký hợp đồng nhận khoán. Khi thanh toán tiền DVMTR, chúng tôi không thanh toán cho người đại diện mà cử cán bộ xuống tận bản, trả tiền trực tiếp cho từng hộ dân. Việc này được người dân ủng hộ, nhất trí cao” – ông Đoàn cho hay.

Được hưởng lợi từ nguồn chi trả DVMTR, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, phát triển rừng của người dân các xã, bản của huyện Tân Uyên được nâng lên. Bản nào, bản nấy cũng thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng. Mỗi gia đình trong bản cử một người tham gia vào tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản. Không hết, các bản còn xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng, ai vi phạm sẽ bị phạt. Nhờ đó mà màu xanh của những cánh rừng trên địa bàn huyện ngày càng được nhân lên.

Đã mấy năm nay, cứ vào dịp giáp tết nguyên đán, người dân huyện Tân Uyên lại được nhận một khoản tiền kha khá từ nguồn chi trả DVMTR. Số tiền DVMTR mà các hộ dân nhận được tăng lên theo từng năm. Có hộ được nhận hàng chục triệu đồng mỗi năm tiền bảo vệ rừng. Ai cũng phấn khởi bởi có tiền mua sắm trong dịp tết. Không ít hộ dân đã thoát khỏi đói nghèo nhờ sử dụng có hiệu quả tiền DVMTR.

Văn Chiến