Tăng gần 600% sau 2 tháng lên sàn, lãnh đạo SIP muốn chốt lời thu lãi "khủng" 1.700 tỷ đồng

09/08/2019 09:18 GMT+7
So với thời điểm niêm yết trên sàn UPCoM, mã SIP của Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG đã tăng tới 600% về thị giá. Trong bối cảnh cổ phiếu tăng giá, lãnh đạo chủ chốt của công ty đã phát đi thông tin bán ra cổ phiếu ở "vùng đỉnh" và dự kiến thu về gần 1.700 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) đăng ký bán 14.350.492 cp SIP để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 09/08 đến 06/09 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Hiện ông Tùng đang nắm hơn 15,29 triệu cp, tương ứng 22,15% vốn SIP.

Động thái này diễn ra khi giá cổ phiếu SIP đang đứng ở mức cao gấp nhiều lần so với mức giá niêm yết của mã cổ phiếu này.

Cụ thể, SIP lên sàn UpCoM vào ngày 6/6/2019 với giá bình quân những ngày đầu chỉ 17.200 đồng/cổ phiếu.Vậy nhưng, điều đáng kinh ngạc là chỉ sau 2 tháng, với nhiều phiên tăng trần gây sửng sốt trong giới tài chính, SIP đã tăng từ mức 17.200 đồng/cổ phiếu lên đỉnh cao nhất là 131.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 664%.

Đầu tư Sài Gòn VRG chính thức giao dịch trên HNX vào ngày 6/6

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 8/8, SIP đã có sự điều chỉnh giảm 7.900 đồng so với phiên trước đó do hiệu ứng thông tin cổ đông lớn bán ra và chốt phiên tại 118.000 đồng/cp.

Với mức giá chốt phiên ngày 8/8, SIP vẫn ghi nhận mức tăng tới gần 600% so với thời điểm lên sàn của mã cổ phiếu này. Đồng thời, vốn hoá của doanh nghiệp ghi nhận ở mức 8.500 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính với mức giá hiện tại, ông Tùng sẽ thu về khoang 1.700 tỷ đồng nếu bán thành công lô cổ phiếu đã đăng ký.

Trước đó ngày 29/07, ngay ở vùng đỉnh của cổ phiếu này, Phó Tổng giám đốc của SIP - ông Trần Ngọc Nhân cũng đã bán thành công 117.900 cp, tương ứng thu về gần 16 tỷ đồng. Bà Bạch Vân Nhạn - Uỷ viên Hội đồng quản trị đăng ký bán ra 20.000 cổ phiếu.

Trong cơ cấu cổ đông lớn tại thời điểm tháng 1/2019, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Trần Mạnh Hùng nắm giữ lớn nhất với hơn 15 triệu cổ phiếu, tương ứng 22,27% vốn SIP; tiếp theo mới là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam 13,53%; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị An Lộc cùng Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Nguyễn Thanh Tùng cùng sở hữu hơn 10% vốn.

Ngoài ra, Công ty Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đang có chuỗi đà tăng mạnh với cổ phiếu NTC cũng là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu hơn 9%. Thành viên Hội đồng quản trị Phạm Hồng Hải và Phó tổng giám đốc Lư Thanh Nhã đều sở hữu trên 7% vốn.

SIP có gì đặc biệt?

Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG được thành lập năm 2007, là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chính thức được niêm yết trên sàn từ tháng 6/2019. SIP là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực cho thuê khu công nghiệp.

Hiện tại, công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) là chủ đầu tư trực tiếp của khu công nghiệp Đông Nam (Củ Chi, TPHCM) và Phước Đông (Tây Ninh) với tổng diện tích lần lượt là 286,76 ha và 2.190 ha; cùng KCN Lê Minh Xuân III (Bình Chánh, TPHCM) diện tích 220 ha.

KCN Phước Đông. Nguồn Sài Gòn VRG.

Đến thời điểm đầu năm 2019, SIP cho biết tỷ lệ lấp đầy tại KCN Đông Nam là 72% diện tích thương mại, KCN Phước Đông đạt 92% (giai đoạn 1) và KCN Lê Minh Xuân III đạt 30% trên phần diện tích kinh doanh.

Riêng đối với KCN Lộc An - Bình Sơn có diện tích 496.77 ha (Đồng Nai) được SIP đầu tư vào Công ty Long Thành VRG với tỷ lệ nắm giữ là 69% vốn.

Về hoạt động kinh doanh, công ty bắt đầu có doanh thu từ đầu năm 2010 khi dự án đầu tiên Khu công nghiệp Đông Nam đi vào hoạt động và sau đó đến 6/2010 là dự án Khu công nghiệp Phước Đông.

Trong vài năm qua, kết quả của Sài Gòn VRG liên tục tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2018 tăng 26% lên mức 3.239 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về 249 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước, EPS tương ứng 3.600 đồng. Giá trị sổ sách là 16.706 đồng/cp.

Đáng nói, doanh thu bán điện nước năm 2018 lại đóng góp chính yếu 65,5% trong cơ cấu doanh thu của SIP, tiếp đến là doanh thu bán thành phẩm với 18,8%, còn cho thuê đất chỉ 5,2%...

Gần đây nhất, 6 tháng đầu năm 2019, SIP thực hiện được 1.976 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 214 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cổ đông công ty mẹ lãi ròng gần 196 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2019, SIP đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng; còn sang năm 2020 hai chỉ tiêu này lần lượt là 3.100 tỷ đồng và 210 tỷ đồng; cổ tức đều ở mức 15%/năm.

Tính đến 30/6, tổng tài sản của SIP 12.242 tỷ đồng. Nợ phải trả 10.743 tỷ, chiếm gần 88% tổng nguồn vốn và gấp hơn 7 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục