Tăng giá khẩu trang giữa dịch Corona: Đạo đức kinh doanh hay kinh tế thị trường?

05/02/2020 11:26 GMT+7
Câu chuyện “hét” giá khẩu trang giữa đại dịch virus Corona đang là tâm điểm nóng suốt 1 tuần nay. Ở một góc nhìn khác, một số chuyên gia kinh tế cho rằng đây chính là câu hỏi muôn thủa của đạo đức và kinh tế học.

Theo số liệu của Tổng cục QLTT, trong ngày 04/02/2020, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra 338 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, hiệu thuốc đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn. Trong số các cửa hàng bị kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 95 cửa hàng vi phạm với tổng số tiền xử phạt 197.100.000 đồng. Tạm giữ 137.776 khẩu trang các loại.

Như vậy, từ ngày 31/01-04/02, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý: 2.180 vụ. Tạm giữ 466.326 chiếc khẩu trang các loại.

Theo nhận định, hiện nay tình hình dịch bệnh nCoV đang có diễn biến phức tạp, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch gia tăng. Tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy mua khẩu trang y tế, nước sát trùng về tích trữ đã giảm do hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, vẫn xảy ra hiện tượng khan hàng và có biến động giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh.

 
Tăng giá khẩu trang giữa dịch Corona: Đạo đức kinh doanh hay kinh tế thị trường? - Ảnh 1.

Hiện lực lượng quản lý thị trường đã xử lý hơn 2.000 vụ liên quan đến việc tăng giá, không niêm yết giá bán khẩu trang.

Tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, hầu hết các quầy thuốc, cơ sở kinh doanh hàng hoá là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khoẻ dùng để phòng, chữa bệnh vẫn có khẩu trang bán nhưng số lượng ít, bán cho mỗi người số lượng hạn chế và giá tăng cao hơn trước. Nhiều cơ sở kinh doanh, quầy thuốc treo biển “Không còn khẩu trang để bán”; “khẩu trang y tế hết hàng”; “hết khẩu trang, nước rửa tay” do nguồn cung mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng hạn chế.

Việc tăng giá bán khẩu trang giữa đại dịch Corona đang bùng phát khiến dư luận suốt 1 tuần nay gây ít tranh cãi. Phần lớn đều lên án hành vi này, cho rằng việc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá hàng hóa là không chấp nhận được và cần phải xử lý. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại bày tỏ một góc nhìn khác về câu chuyện tăng giá khẩu trang giữa đại dịch Corona.

Tăng giá sẽ giúp tăng nguồn cung?

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia pháp chế Nguyễn Minh Đức (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng việc đúng hay sai vẫn đang gây tranh cãi. Theo ông Đức, đây là một câu hỏi muôn thủa của đạo đức và kinh tế học.

Vị chuyên gia này phân tích, ở một khía cạnh thì việc tăng giá sẽ tước đi cơ hội tiếp cận hàng hoá thiết yếu của khá nhiều người do họ không có đủ tiền. Đây là một hành vi vô đạo đức vì người bán chạy theo đồng tiền mà không đếm xỉa gì đến tính mạng, sức khoẻ của người khác.

 
Tăng giá khẩu trang giữa dịch Corona: Đạo đức kinh doanh hay kinh tế thị trường? - Ảnh 2.

Theo chuyên gia pháp chế Nguyễn Minh Đức, ở góc nhìn khác thì việc tăng giá khẩu trang sẽ giúp tăng nguồn cung.

“Nhưng ở góc độ ngược lại, việc tăng giá sẽ giúp tăng nguồn cung. Người bán lẻ sẽ muốn bán nhiều hơn vì lãi lớn. Người vận chuyển cũng sẽ chở nhiều hơn vì có thể đòi được tiền cước cao hơn. Doanh nghiệp sẽ cho máy móc chạy hết công suất để sản xuất nhiều hơn. Công nhân được trả lương cao hơn khi tăng ca. Nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội sẽ đầu tư nhiều hơn để mong kiếm lời khi có thảm hoạ tiếp theo”, ông Đức viết.

Cùng ý kiến này, luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) cho rằng, nếu theo kinh tế thị trường thì việc tăng giảm giá là điều dễ hiểu, thị trường sau đó sẽ tự điều tiết. “Tăng giá là phương thuốc vạn năng để tăng cung. Cuối cùng chỉ có tăng cung mới giải quyết được nhu cầu!”, ông Đức nói.

Về việc xử lý các hiệu thuốc nâng giá, theo ông Đức chỉ có thể xử phạt hành chính với trường hợp:“Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý”, theo Điều khoản 17.1, Nghị định 109/2013 + 49/2016/NĐ-CP.

“Lợi bất cập hại”

TS Huỳnh Thế Du (Trường ĐH Fulbirght Việt Nam) cho rằng, việc cấm tăng giá khẩu trang là lợi bất cập hại.

Ông Du dẫn giải câu chuyện: Thạch Sùng là truyện dân gian của Việt Nam kể về một người tham lam trục lợi trên nỗi đau hay sự khốn khổ của những người khác khi thiên tại địch họa xảy ra. Hành vi này bị lên án trong hầu hết các xã hội.

Tuy nhiên vị tiến sĩ này cho rằng, khi Nhà nước can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính bắt buộc những người bán không được tăng giá (áp dụng giá trần) khẩu trang khi dịch cúm do virus Corona đang xảy ra thường là lợi bất cập hại.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du đã vẽ đồ thị giữa mối tương của giá và cung:

 
Tăng giá khẩu trang giữa dịch Corona: Đạo đức kinh doanh hay kinh tế thị trường? - Ảnh 3.

Đồ thị biểu thị mối tương quan giữa giá và cung

Qua đồ thị, ông Huỳnh Thế Du phân tích: Đồ thị cho thấy, khi không có dịch cúm xảy ra, đường cung và đường cầu của thị trường cắt nhau ở điểm A. Khi đó, giá và lượng cầu cân bằng lần lượt là P1 và Q1.

Khi có dịch cúm, nhu cầu tăng đột biến nên đường cầu dịch chuyển ra ngoài thành đường cầu có dịch. Với cơ chế thị trường thì giá của khẩu trang sẽ tăng lên mức giá P2 và lượng cầu cân bằng tại diểm B là Q2.

Khi nhà nước không cho tăng giá hoặc áp giá trần như khi không có dịch cúm xảy ra thì sẽ tạo ra sự thiếu cung hoặc thừa cầu một lượng bằng Q3-Q1. Khi đó, thị trường chợ đen sẽ hoạt động và giá của khẩu trang lên đến P3, cao hơn rất nhiều so với P2. Tổng phúc lợi xã hội sẽ bị tổn thất là diện tích tam giác ABD.

“Do việc cấm không cho tăng giá mà người tiêu dùng cuối cùng phải trả một giá cao hơn so với thị trường tự do rất nhiều. Như vậy là lợi bất cập hại. Phức tạp hơn một chút, giả sử việc đeo khẩu trang của mỗi cá nhân mang lại ngoại tác tích cực cho xã hội như trong đồ thị thì chính sách của nhà nước là trợ cấp hoặc hỗ trợ để các nhà sản xuất với khối lượng Q3. Do vậy, tôi không thấy cơ sở cho việc cấm các nhà thuốc tăng giá khẩu trang và chưa thấy động thái hỗ trợ việc sản xuất khẩu trang”, TS. Du nói.

“Nếu coi sức khỏe là hàng hóa đặc biệt thì tăng giá là không phù hợp”

Trong khi đó, TS Võ Tất Thắng (ĐH Kinh tế TP.HCM) thì cho rằng, sức khỏe được xem là một hàng hóa đặc biệt, vì vừa là đầu vào để tạo ra sản phẩm hàng hóa và vừa là hàng hóa tiêu dùng để con người tận hưởng cảm giác sống khỏe mạnh. Thị trường chăm sóc sức khỏe rất không chắc chắn vì khó đoán trước và mất cân đối thông tin mạnh. Cho nên rất nhiều nước chọn can thiệp sâu vào thị trường hàng hóa và dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe như Canada và các nước Châu Âu... Họ nhắm đến sự công bằng được xã hội chấp nhận, ở đó mọi người có cơ hội tương đối bình đẳng tiếp cận dịch vụ và sử dụng hàng hóa có liên quan sức khỏe.

Việt Nam cũng là nước xem trọng hàng hóa sức khỏe và tính công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế. Bằng chứng là Việt Nam cố gắng có được bảo hiểm y tế toàn dân. “Cho nên việc để thị trường tự do tăng giá khẩu trang trong dịch cúm Corona là không phù hợp xu hướng này. Giá khẩu trang tăng 3-4 lần có thể không là vấn đề đối với hộ thu nhập cao nhưng lại là trở ngại lớn đối với hộ nghèo. Hậu quả chúng ta mất đi tính công bằng khi tiếp cận chăm sóc y tế. Ngoài ra, do tính ngoại tác của việc sử dụng khẩu trang, hộ nghèo không dùng khẩu trang có thể làm dịch lan rộng hơn, gây ngoại tác tiêu cực lên phần còn lại.

Chính vì vậy, trong nỗ lực cách ly dịch cúm, các bên quản lý nhà nước có liên quan nên tìm cách hạn chế việc tăng giá khẩu trang như đã xảy ra trong những ngày gần đây, đặc biệt là trường hợp mọi người cần phải đeo khẩu trang ”, TS Võ Tất Thắng nói.

Kêu gọi ngừng bán có thể bị xử lý hình sự

"Các nhà thuốc nâng giá khẩu trang hiện đang tranh luận về mặt đạo đức và pháp lý, nhưng hành động kêu gọi, đồng loạt không bán thì không gì có thể biện minh, vừa trái đạo đức, vừa vi phạm pháp luật vì đã có thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Nếu 100 nhà thuốc ra quyết định ngừng bán một cách độc lập với nhau thì không sao. Nhưng nếu có lời kêu gọi và thỏa thuận với nhau cùng ngừng bán thì đã vi phạm luật. Hành vi này có thể bị xử lý 10% tổng doanh thu năm 2019 hoặc xử lý hình sự", Nguyễn Minh Đức (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI)


Theo Dân Việt
Cùng chuyên mục