Tăng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu: "Giao dịch chứng khoán mà lô toàn trăm triệu thì khác gì bất động sản"

Quang Dân Thứ tư, ngày 03/03/2021 09:59 AM (GMT+7)
Giải pháp chống nghẽn "Tăng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu" của ông Lê Hải Trà nhận được sự phản đối "gay gắt" của những người đầu tư chứng khoán trên các nhóm mạng xã hội như Chứng khoán lướt sóng thần (246.000 thành viên); F189...Diễn đàn chứng khoán: Vietnam's Professional Stock Forum (195.000 thành viên); Đầu tư chứng khoán (41.000 thành viên)...
Bình luận 0

Tăng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu

Ngày 3/3, khắp các trang mạng xã hội liên quan đến chứng khoán thổi bùng lên cuộc tranh luận về đề xuất “Tăng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu có thể giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ được bảo vệ tốt hơn” của ông Lê Hải Trà - Tân Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE).

Cụ thể, ngày 2/3 trả lời trên Thời báo Tài chính Việt Nam về vấn đề nghẽn lệnh giao dịch trên HOSE và các giải pháp khắc phục tình trạng này, ông Trà cho biết, vấn đề nâng lô giao dịch đã được HOSE tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động cũng như hiệu quả.

Tăng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu: Giao dịch chứng khoán mà lô toàn trăm triệu thì khác gì bất động sản? - Ảnh 1.

Ông Lê Hải Trà - Tân Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE).

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc tăng lô giao dịch 1.000 cổ phiếu là một trong những giải pháp giảm được số lệnh nhỏ vào hệ thống, từ đó trực tiếp làm giảm áp lực lên hệ thống xử lý của HOSE. Các thị trường phát triển hơn chúng ta như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... đều đã trải qua lộ trình này.

"Theo tính toán của HOSE, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp", ông Trà cho hay.

Nhiều nhà đầu tư phản đối gay gắt

Đáng nói, giải pháp chống nghẽn này nhận được sự phản đối "gay gắt" của đại đa số những người đang đầu tư chứng khoán trên các nhóm mạng xã hội như Chứng khoán lướt sóng thần (246.000 thành viên);  F189...Diễn đàn chứng khoán: Vietnam's Professional Stock Forum (195.000 thành viên); Đầu tư chứng khoán (41.000 thành viên)...

Đại đa số người tham gia trên thị trường nhận định, nếu việc nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu được thông qua sẽ tác động đến những nhà đầu tư nhỏ lẻ trong việc lựa chọn cổ phiếu khi không thể tiếp cận với các mã cổ phiếu chất lượng, không thể mua các mã bluechip giá cao như MWG, VJC, VNM, SAB, VCB, ...

Ví dụ, mỗi cổ phiếu MWG (Thế Giới Di Động) hiện có giá khoảng 135.000 đồng/cp, mua 1.000 cổ phiếu sẽ tốn 135 triệu đồng (chưa kể phí).

Tăng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu: Giao dịch chứng khoán mà lô toàn trăm triệu thì khác gì bất động sản? - Ảnh 2.

Nhiều nhà đầu tư tỏ ra khá bức xúc với giải pháp chống nghẽn của Tân giám đốc HOSE

Trong trường hợp nhà đầu tư có đủ hơn trăm triệu đồng để mua MWG, VJC, ... thì cũng chưa chắc còn đủ tiền mua các mã khác để đa dạng hóa danh mục. Nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ phải mua các mã cổ phiếu penny nhiều rủi ro.

Ngoài ra, một băn khoăn khác là làm gì với các cổ phiếu lẻ do được chia cổ tức hoặc không có điều kiện nâng lên thành lô chẵn. Nếu đang nắm giữ 900 cổ phiếu VNM (Vinamilk) và không có tiền mua thêm 100 cp nữa, vậy nhà đầu tư sẽ phải bán hết 900 cổ phiếu này trước khi quy định lô 1.000 có hiệu lực? Hay là đợi đến đợt công ty chứng khoán mua cổ phiếu lô lẻ với giá sàn?

Theo thị giá hiện nay, 900 cổ phiếu VNM có tổng trị giá 93 triệu đồng, cao hơn GDP bình quân đầu người một năm của Việt Nam.

Đối với ý kiến cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời trong khi chờ hệ thống mới, sau đó có thể trở lại các mốc phù hợp với các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng không nhận được sự đồng thuận của mỗi người.

Có nhà đầu tư bày tỏ quan điểm trên F189...DIỄN ĐÀN CHỨNG KHOÁN : Vietnam's Professional Stock Forum (195.000 thành viên) cho rằng, mục tiêu của thị trường chứng khoán là phải tạo điều kiện cho công dân ai cũng có thể đầu tư, từ đầu tư nhỏ lẻ đến cá mập.

"Việc đưa ra giải pháp nâng lô cổ phiếu có thể được xem là giải pháp làm sai lệch bản chất và mục tiêu ban đầu của thị trường chứng khoán, bởi giao dịch chứng khoán mà lô toàn trăm triệu đến hàng tỷ thì khác gì bất động sản" - nhà đầu tư này cho hay.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc nâng cao hệ thống mới là giải pháp chứ không phải đưa ra biện pháp hạn chế người chơi. Nếu bội số giao dịch 1000 cổ phiếu khi giá trị giao dịch lên 15.000 tỷ vẫn nghẽn. Lúc này không thể tiếp tục đưa ra biện pháp giao dịch với bội số 10.000 cổ phiếu.

Cách đây ít ngày, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã lấy ý kiến các Công ty chứng khoán (CTCK) thành viên về việc thực hiện chuyển một số mã chứng khoán trên HOSE sang giao dịch tại một Bảng mới trên hệ thống của HNX, nhưng vẫn giữ nguyên các quy định giao dịch như của HOSE (biên độ, kết cấu phiên, bước giá,…). Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư trên thị trường, việc "mượn" hệ thống của HNX được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh hệ thống HOSE liên tục tắc nghẽn thời gian gần đây mà vẫn giúp nhiều nhà đầu tư "nhỏ lẻ" có thể tiếp cận thị trường.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, TGĐ Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng trong khi chờ hệ thống KRX vận hành thì việc chuyển một số công ty niêm yết từ HOSE sang giao dịch HNX lúc này là việc làm hợp lý, cần thiết và có thể ít tốn kém nhất trong các phương án có thể triển khai. Việc này sẽ không chỉ giúp nhanh chóng giảm tải cho hệ thống HoSE mà quan trọng hơn còn là đảm bảo giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam được thông suốt, đáp ứng nhu cầu giao dịch chính đáng của nhà đầu tư, bảo đảm được uy tín của thị trường chứng khoán trong con mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước, duy trì và củng cố được kênh huy động vốn ngày càng hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem