Tăng trưởng của ngành gỗ có nguy cơ chậm lại do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu

01/03/2022 15:43 GMT+7
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước vào tháng 1 đạt kim ngạch 1,549 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ 2021.

Ngành lâm nghiệp hướng tới mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt giá trị kim ngạch 20 tỷ USD trong 3 năm tới, riêng năm nay dự kiến mang về 16,3 tỷ USD. Nêu lên thực trạng của ngành gỗ hiện nay, đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội cùng nhận định, vấn đề nguyên liệu đang là nút thắt lớn nhất, làm chậm lại sự tăng trưởng của ngành.

Chiều 25/2, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ tỉnh Đồng Nai (DOWA) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai tổ chức Hội thảo “Liên kết chuỗi phát triển thương hiệu ngành gỗ Việt”.

Tăng trưởng của ngành gỗ có nguy cơ chậm lại do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ dự kiến mang về hơn 1,6 tỷ USD trong năm nay. Ảnh: VnEconomy

Xuất khẩu sẽ tăng mạnh nhờ lực kéo từ các thị trường lớn

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước vào tháng 1 đạt kim ngạch 1,549 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ 2021; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,15 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng 12/2021, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Dẫn đầu là thị trường Mỹ đạt 928,2 triệu USD, tăng 12,8%; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 153 triệu USD, tăng 16,3% ; thị trường Trung Quốc đạt 134,4 triệu USD tăng 27%.

Như vậy, đây là lần thứ 3 trong lịch sử của ngành, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng. Cùng tháng 1, thì xuất khẩu gỗ từng đạt 1,512 tỷ USD vào tháng 3/2021 và đạt 1,55 tỷ USD vào tháng 6/2021.

Theo Trung tâm Nghiên cứu công nghiệp Italia (CSIL), kết quả khảo sát tại 100 thị trường tiêu thụ đồ gỗ, cho thấy, dự báo trong năm 2022, thị trường đồ nội thất toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4%.

Trong số các thị trường lớn (tiêu thụ đồ nội thất dự báo trên 5 tỷ USD/năm), châu Âu và châu Á dự kiến tăng trưởng mạnh nhất về tiêu thụ đồ nội, ngoại thất.

Bên cạnh đó, thị trường chủ đạo của ngành gỗ Việt Nam là Bắc Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, đưa thêm nguồn cung ra thị trường.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai đánh giá, dù gặp bất lợi do tác động của đại dịch Covid-19 song trong năm 2021, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của tỉnh vẫn có sự tăng trưởng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt hơn 1,86 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2020. Đồng Nai tiếp tục giữ vững vị trí xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 cả nước, gỗ cũng là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực với kim ngạch lớn thứ 3 trong các ngành của tỉnh.

Ngành chế biến gỗ tỉnh Đồng Nai đề ra mục tiêu xuất khẩu năm 2022 của Đồng Nai phấn đấu đạt trên 2 tỷ USD, tiến hành xây dựng sàn giao dịch gỗ điện tử, bán hàng trực tiếp qua sàn giao dịch, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thương hiệu sản phẩm gỗ Việt.

"Nút thắt" thiếu gỗ nguyên liệu cần được tháo gỡ

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế không thể phủ nhận, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Lâm sản Bình Định (FPA), cho rằng ngành gỗ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nguồn cung nguyên liệu đang là "nút thắt" lớn cần tháo gỡ. Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu.

"Do thiếu nguồn cung nguyên liệu trong nước nên các doanh nghiệp khá bị động, phải phụ thuộc đến 80% vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác, phải chấp nhận rủi ro liên quan đến chứng nhận chất lượng và xuất xứ", ông Lê Minh Thiện nêu thực tế.

TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends, cho biết mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ để chế biến ra các sản phẩm đồ gỗ. Các loài gỗ ôn đới chiếm 60-70% trong tổng lượng nhập khẩu, Mỹ và các quốc gia châu Âu, Canada, Úc là các nguồn cung lớn nhất.

Phần nhập khẩu còn lại chiếm 30-40% là gỗ nhiệt đới, chủ yếu có nguồn gốc từ các nước châu Phi, Lào, Campuchia, Papua New Guinea và một số quốc gia khác. Với chi phí vận chuyển ở mức vẫn rất cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đây là tín hiệu cho thấy giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Do đó, tạo nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, có chất lượng cao, sử dụng cho chế biến đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của ngành gỗ.

TS Tô Xuân Phúc cho rằng, khó khăn lớn nhất mà khối tư nhân đang gặp phải là không tiếp cận được với nguồn quỹ đất để trồng rừng, bởi nguồn quỹ đất này đang nằm nằm dưới sự quản lý của các hộ và các công ty lâm nghiệp.

Để tạo được tính đột phá trong việc hình thành và phát triển liên kết, đòi hỏi Chính phủ cần có các cơ chế chính sách cởi mở hơn, cho phép các công ty lâm nghiệp được góp đất hợp tác với công ty tư nhân trong việc tạo nguồn rừng trồng gỗ lớn.

Bên cạnh đó, cần có những cơ chế chính sách chặt chẽ trong việc xác định nguồn quỹ đất tham gia liên kết, định giá về giá trị của đất cũng như cây trồng trên đất nhằm giảm thiểu các rủi ro trong việc các bên góp vốn vào liên kết.

"Các cơ chế chính sách nhằm hình thành liên kết cũng cần được minh bạch, nhằm xóa bỏ các e ngại của các bên tham gia”, TS Tô Xuân Phúc nêu khuyến nghị.

Tại hội thảo, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, Chủ tịch của 5 Hiệp hội ngành gỗ gồm: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA); Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam với nhiều nội dung quan trọng.

Theo thỏa thuận, các Hiệp hội cùng hợp tác phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2024 xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD. Các Hiệp hội thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước; giới thiệu, quảng bá doanh nghiệp và hình ảnh, chất lượng, mẫu mã các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế, cùng nhau xây dựng thương hiệu ngành gỗ Việt Nam.

Theo VnEconomy
Cùng chuyên mục