Ngân hàng ACB: Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5 ước đạt 2,5%

12/06/2023 17:41 GMT+7
Theo Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB), từ tháng 3 đến nay, dư nợ của ACB tăng khá nhanh. Đến cuối tháng 5/2023, tăng trưởng tín dụng của ACB là 2,5% so với đầu năm và dự kiến đến cuối tháng 6/2023 có thể đạt 5-5,5%.

Chia sẻ bên lề "Lễ ký kết triển khai giải pháp xác thực căn cước công dân (CCCD) gắn chip và tự động hóa quy trình nghiệp vụ bằng Robot" giữa Ngân hàng ACB và FPT IS, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, ông Từ Tiến Phát cho biết, Ngân hàng ACB là một trong những ngân hàng có dư nợ hỗ trợ lãi suất lớn hàng đầu, có khi lớn hơn cả nhóm Big4. Hiện nay, dư nợ hỗ trợ lãi suất của ACB đạt khoảng hơn 600, gần 700 tỷ đồng. Dù con số rất khiêm tốn nhưng Ngân hàng ACB là một trong những ngân hàng tiên phong tham gia hỗ trợ lãi suất, áp dụng rộng khắp ở 49 tỉnh, thành phố.

Đối với tăng trưởng tín dụng chung của Ngân hàng ACB, theo ông Từ Tiến Phát, trong 2 tháng đầu năm, tín dụng của Ngân hàng giảm khoảng 0,6%. Từ tháng 3 đến nay, dư nợ của ACB tăng rất nhanh, đến tháng 5, từ mốc thấp nhất tính từ đầu năm đã tăng khoảng 5,5%. Thời gian tới, mỗi tháng có thể tăng trưởng 2-3% là hoàn toàn có thể.

Đến cuối tháng 5/2023, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng ACB là 2,5% so với đầu năm và dự kiến đến cuối tháng 6/2023 có thể đạt 5-5,5%.

Đối với tái cơ cấu thời hạn trả nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, hiện ACB vẫn đang thực hiện. Ngân hàng ACB chủ trương không đặt ra giới hạn nào trong giải quyết tái cơ cấu nợ. Nhưng thực tế hiện khách hàng lựa chọn rất kỹ lưỡng, không phải khách hàng nào cũng mong muốn tái cơ cấu. Vì tái cơ cấu có thể ảnh hưởng đến hoạt động vay của khách hàng trong tương lai.

Theo Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, hiện số lượng hồ sơ đăng ký cơ cấu lại thời hạn trả nợ không quá nhiều và nằm trong tầm kiểm soát. Đây là chủ trương rất tốt của NHNN nhưng từ phía khách hàng, họ có sự lựa chọn, không đăng ký đại trà như giai đoạn Covid (hầu như khách hàng nào cũng bị ảnh hưởng và ngay lập tức đăng ký tái cơ cấu), nay khách hàng chọn lựa chứ không phải ngân hàng chọn lựa.

Liên quan đến xu hướng nợ xấu của ngành ngân hàng, ông Từ Tiến Phát nhận định, xu hướng nợ xấu cCó thể tăng. Nhưng với Thông tư 02 và tình hình kinh tế có cải thiện, tình hình chung tuy khó khăn nhưng vẫn có thể kiểm soát được. Đặc biệt các ngân hàng như ACB, Ngân hàng sẽ có gắng kiềm chế ở dưới mức 2%.

Được biết, năm 2023, Ngân hàng ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 20.000 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 10%. Huy động vốn (gồm giấy tờ có giá) dự kiến tăng 8,1%. Tín dụng dự kiến tăng 9,7% theo hạn mức được cấp hiện tại. Tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%. Cổ tức từ lợi nhuận năm 2022 sẽ chia với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Vốn điều lệ sẽ tăng lên 38.840 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/06/2023, cổ phiếu ACB đóng cửa ở mức 21.450 đồng/cổ phiếu.

H.Anh
Cùng chuyên mục