Tập đoàn PAN dồn lực cho chiến lược M&A, kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng 48%

07/04/2022 07:07 GMT+7
Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 tăng hơn 55% đạt mốc 14.300 tỷ đồng. PAN dồn nguồn lực thực hiện chiến lược M&A cho tăng trưởng thời gian tới.

Kế hoạch doanh thu tăng 55%, lợi nhuận tăng 48%

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên vừa công bố, HĐQT Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) sẽ trình kế hoạch 2022 gồm doanh thu thuần hợp nhất 14.300 tỷ đồng, tăng 55,4%; lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng, tăng 48% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 355 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm trước.

HĐQT đánh giá mảng giống cây trồng, lương thực (Vinaseed) và thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng sẽ hưởng lợi từ việc điều kiện thực hiện sản xuất kinh doanh bán hàng không còn bị cản trở do dịch bệnh, dãn cách năm 2022. Nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao cũng thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh giống và sản phẩm bảo vệ thực vật.

Mảng thực phẩm bánh kẹo (Bibica) dự kiến có sự phục hồi tốt cùng với sự tăng lên của sức cầu nội địa sau dịch, kỳ vọng doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng về mức trước dịch. Trong khi đó, mảng hạt xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng cao từ năm 2021, sẽ thực hiện việc tăng quy mô sản xuất trong năm 2022 để đáp ứng nhu cầu rất cao hiện tại với các sản phẩm của công ty.

Mảng xuất khẩu thủy sản (Thực phẩm Sao Ta - FMC, Aquatex Bến Tre - ABT) sẽ hưởng lợi từ nhu cầu lớn từ các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật,.. khi các nước này đã mở cửa trước Việt Nam và đang trong giai đoạn phục hồi mạnh của nền kinh tế.

Cuối cùng, việc hợp nhất cả năm kết quả kinh doanh của Khử trung Việt Nam - VFG cũng sẽ đóng góp đáng kể cho tăng trưởng năm 2022 của cả tập đoàn.

Tập đoàn PAN dồn lực cho chiến lược M&A, kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng 48% - Ảnh 1.

Hầu hết các mảng kinh doanh của tập đoàn đều được kỳ vọng tăng trưởng năm nay.

Dù vậy, lãnh đạo tập đoàn cũng nhìn nhận dịch Covid-19 vẫn còn là nỗi lo tiềm ẩn, có thể tiếp tục gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả cung và cầu. Các chính sách về thuế và hạn ngạch thương mại của các nước mà doanh nghiệp đang xuất khẩu cũng như các chính sách của Chính phủ liên quan đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu có thể gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng như đầu ra.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu như Việt Nam, xâm nhập mặn, lũ lụt, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, tác động rất lớn đến diện tích canh tác, năng suất và chất lượng cây trồng.

Cuối cùng, chuỗi cung ứng về dịch vụ vận tải cũng như hàng hóa đã và đang chịu đứt gãy do bệnh dịch, gần đây tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh từ xung đột địa chính trị tại Đông Âu. Giá cả các mặt hàng và dịch vụ đầu vào cho nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, bán hàng của tập đoàn gặp nhiều biến động theo hướng bất lợi. Nếu tình trạng kéo dài có thể gây ảnh hưởng tới sản xuất và biên lợi nhuận của các mảng kinh doanh chính như thủy sản hoặc nông nghiệp.

Dồn lực cho chiến lược M&A

Năm 2021, dịch bệnh bùng phát mạnh trên khắp cả nước, với đặc điểm hoạt động kinh doanh dàn trải tại nhiều vùng miền, Tập đoàn PAN cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngay từ đầu, tập đoàn đã triển khai quyết liệt, kịp thời các kể hoạch sản xuất kinh doanh linh hoạt nhằm thích ứng tốt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, thị trường và tình hình dịch bệnh. Nhờ vậy, dù phải giảm công suất, tăng chi phí vận hành, toàn bộ thành viên của PAN vẫn duy trì hoạt động sản xuất không bị đình trệ, nhiều đơn vị thậm chí đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong bối cảnh khó khăn.

Cụ thể, mảng tôm xuất khẩu tăng 27%, mảng giống cây trồng tăng 16% và mảng hạt và snack tăng 61%. Cá tra và nước mắm cũng tăng lợi nhuận ấn tượng lần lượt 133% và 25%.

Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất toàn tập đoàn đạt 9.972 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 510 tỷ, tăng 53% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất cho cổ đông công ty mẹ đạt 295 tỷ, tăng gần 60%. Kết quả này đã bao gồm lợi nhuận tài chính từ đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty Khử trùng Việt Nam (HNX: VFG), sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 50% và hợp nhất báo cáo tài chính.

Tập đoàn PAN dồn lực cho chiến lược M&A, kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng 48% - Ảnh 2.

Nguồn: PAN

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản tập đoàn đạt 15.024 tỷ đồng, tăng 3.688 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu tài sản được duy trì hợp lý với tổng nợ phải trả 7.444 tỷ đồng, tương đương 49% tổng tài sản, trong đó nợ ngắn hạn là 5.993 tỷ đồng, nợ dài hạn 1.451 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 7.580 tỷ đồng, tương đương 50% tổng tài sản.

Dù vậy, HĐQT đề xuất không chia cổ tức năm 2021 và 2022 để dành nguồn lực thực hiện chiến lược M&A cho tăng trưởng trong giai đoạn tới. Mới đây, tập đoàn công bố việc chào mua công khai 7,7 triệu cổ phiếu BBC để tăng sở hữu từ 59% lên 100%. Tập đoàn dự kiến sẽ hoàn thiện chuỗi sản xuất, cung ứng của Bibica và duy trì hoạt động theo kế hoạch kinh doanh đã được cổ đông thông qua.

Đồng thời, HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022 sẽ kết thúc vào ĐHĐCĐ thường niên 2022. Do vậy, HĐQT trình đại hội thông qua số lượng thành viên là 7 người và bầu cử cho nhiệm kỳ mới 2022-2027. Nhân tố mới là ông Trần Đình Long (1941), trình độ học vấn giáo sư, tiến sĩ với chuyên ngành nông nghiệp thay thế ông Đặng Kim Sơn. Ông hiện là Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, Ủy viên Trung ương liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam, Thành viên HĐQT Vinaseed…

Theo NDH
Cùng chuyên mục