Tây An - trái tim chiến lược kinh tế 'hướng Tây' của ông Tập
Tây An được biết đến là cố đô của nhiều triều đại Trung Quốc, nơi phát hiện mộ Tần Thủy Hoàng, cũng là một trong những khu vực đô thị phát triển cuối cùng trước khi tiến sâu vào vùng cao nguyên phía tây nghèo khó hơn. Nhưng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Tây An còn được biết đến như "trái tim" của chiến lược kinh tế "hướng Tây" mà chính quyền ông Tập Cận Bình đưa ra hồi giữa tháng 5/2020.
Chiến lược “Hướng Tây” được Bắc Kinh công bố ngày 17/5 tại thời điểm nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phục hồi sau đại dịch trong khi làn sóng chỉ trích và căng thẳng địa chính trị quốc tế vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo đó, Trung Quốc muốn tìm kiếm động lực tăng trưởng mới từ khu vực miền Tây giàu tiềm năng trong bối cảnh xuất khẩu – vốn chủ yếu dựa vào các tỉnh duyên hải miền Đông, chịu tác động tiêu cực từ đại dịch.
Theo Wind Information, Tây An ghi nhận GDP tăng trưởng 4,5% trong 3 quý đầu năm, một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất của quốc gia Đông Á này và gấp đôi mức tăng trưởng 2% của cả nước. Trong khi đó, Bắc Kinh báo cáo tăng trưởng 0,1% và Thượng Hải thậm chí chứng kiến GDP giảm tốc 0,3%. Đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Tây An phản ánh những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy kinh tế bền vững.
Công nghệ
Perry Wong, giám đốc điều hành tại Viện nghiên cứu Milken cho biết các ngành sản xuất giá trị cao như dược phẩm, hàng không và sự phát triển ngày càng hiện đại của cơ sở hạ tầng giao thông đang đóng góp vai trò đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Tây An. Trong bảng xếp hạng của Viện Milken về các thành phố hoạt động kinh tế tốt nhất Trung Quốc năm nay, Tây An xếp vị trí thứ 4, tăng từ vị trí thứ 6 năm 2019 và vị trí thứ 9 năm 2019.
Thêm vào đó, khả năng thu hút FDI cao là một yếu tố khác đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm, Tây An thu hút được 6,58 tỷ USD vốn FDI, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng nhanh gần gấp 3 lần mức tăng FDI chung của toàn quốc gia (2,5%).
Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào Tây An, nơi đặt cơ sở nghiên cứu và sản xuất chip quan trọng của hãng. Có nguồn tin cho hay Samsung đang cử thêm hàng trăm kỹ sư đến Tây An làm việc từ đầu năm nay, theo The Korea Herald.
Một số công ty công nghệ cao khác của Trung Quốc cũng đặt tại Tây An như nhà sản xuất phụ tùng máy bay Chenxi Aviation, nhà sản xuất máy bay thương mại AVIX XAC trực thuộc tập đoàn hàng không và quốc phòng nhà nước AVIC, công ty sản xuất các chế phẩm titan và nghiên cứu ứng dụng trong hàng không vũ trụ, y tế, công nghệ cao Western Superconductor...
Bong bóng bất động sản
Để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao thu hút nhân tài, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách giúp sinh viên tốt nghiệp đại học dễ dàng mua nhà và định cư ở Tây An. Trên thực tế, người dân ở nhiều địa phương Trung Quốc bị ràng buộc bởi hệ thống quản lý hộ khẩu, tức là người di cư đến các thành phố lớn như Bắc Kinh có thể gặp nhiều khó khăn trong việc mua nhà hoặc cho con cái đi học tại các trường học địa phương.
Giảm bớt các hạn chế về hộ khẩu là một trong những chiến lược của Tây An trong cuộc chạy đua tăng trưởng với hàng loạt đô thị lớn khác trên toàn Trung Quốc. Yimin Zhao, nhà nghiên cứu tại khoa quản lý và quy hoạch đô thị Đại học Renmin nhận định: “Họ đang cạnh tranh với các thành phố khác không chỉ để thu hút vốn, công nghệ cao mà còn cả nhân tài”.
Do nhu cầu tăng trưởng nhanh và cả yếu tố đầu cơ, giá nhà tại Tây An đã chứng kiến mức tăng tích lũy 46% trong 3 năm tính đến 2019, theo Chỉ số giá toàn cầu Sweetome Hurun. Giá nhà tiếp tục tăng trong năm nay nhưng tốc độ tăng có xu hướng chậm lại trong cuộc khủng hoảng đại dịch. Theo Cục Thống kê Quốc gia, tính đến tháng 11 năm nay, giá nhà ở thương mại mới xây ở Tây An đã tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lọt top 10 thành phố có tốc độ tăng trưởng giá nhà nhanh nhất trong số 70 đô thị lớn và vừa trên toàn quốc.
Ông Yuan Guoqian, chủ tịch Xiaoyuan Technology cảnh báo rằng thị trường bất động sản Tây An đang thu hút quá nhiều nhà đầu cơ, có khả năng gây ra tình trạng bong bóng giá bất động sản, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề về giao thông và an toàn khi số dân cư đô thị trở nên quá đông đúc.
Còn nhiều thách thức
Là một đô thị mà du lịch đóng góp vai trò quan trọng trong tăng trưởng GDP, Tây An cũng chứng kiến những hệ lụy nghiêm trọng sau đại dịch Covid-19. Từng là thủ phủ của nhiều triều đại Trung Quốc, Tây An cho đến nay vẫn lọt top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng nhất quốc gia Đông Á này, theo trang web đặt phòng Trip.com.
Mao Wei, tổng giám đốc khu du lịch Zhonghua County nhận định: “Năm nay, nền kinh tế không còn mạnh mẽ như năm trước, do đó người tiêu dùng có thể sẽ giới hạn chi tiêu”. Theo ông Mao Wei, khách du lịch nội địa đến Tây An đã bắt đầu tăng từ đầu tháng 4, nhưng không đủ để khôi phục mức lợi nhuận tiềm năng như trước đại dịch. Đây cũng là tình trạng chung của ngành du lịch toàn quốc gia.