Tây Ninh: Giá xăng dầu giảm, người dân vẫn chưa vơi bớt nỗi lo vật giá leo thang

Trần Khánh Thứ ba, ngày 19/07/2022 08:46 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu đã giảm nhưng vật giá leo theo từ các đợt tăng giá xăng dầu trước đó khiến người dân Tây Ninh vẫn chưa vơi bớt nỗi lo.
Bình luận 0

Thành thị khổ vì vật giá leo thang

Ngày 8/7, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 20 về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, và bắt đầu áp dụng từ ngày 11/7.

Động thái này của ngành chức năng khiến nhiều người phấn khởi vì được vơi đi phần nào nỗi lo kinh tế.

Tuy nhiên, người dân cũng mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục có những những giải pháp căn cơ, nhằm bình ổn thị trường hàng hóa một cách lâu dài.

Bởi vì, giá xăng dầu giảm không đồng nghĩa với vật giá nhu yếu phẩm giảm theo ngay lập tức.

Giá xăng dầu bắt đầu giảm từ ngày 11/7. Ảnh: Trần Khánh

Giá xăng dầu bắt đầu giảm từ ngày 11/7. Ảnh: Trần Khánh

Theo đánh giá của UBND tỉnh Tây Ninh, giá nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm đã tăng 15-20%, từ đầu năm tới nay. Người dân khu vực đô thị, lẫn nông thôn vẫn đang gặp không ít khó khăn vì vật giá leo thang.

Bà Nguyễn Thị Thủy, bán rau ở gần chợ Long Hoa TX.Hòa Thành kể, ngày trước, bà mua từ 5.000-6.000 đồng/bó rau để bán lẻ lại cho khách hàng.

Nay giá rau tại vườn đã lên 8.000 đồng/bó, rất khó bán. "Khách hàng nói, đắt quá thì thôi, nghỉ ăn", bà Thủy kể.

Tình hình mua bán bên trong chợ Long Hoa cũng trở nên ế ẩm. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, tiểu thương trong chợ cho biết, 1 lít dầu ăn (đựng trong bịch nhựa) ngày trước chỉ 18.000 đồng. Bà Hương bán lại với giá 20.000 đồng. Nay giá dầu ăn lên 42.000 đồng, mình phải bán ra 43.000 đồng.

Trước đây, cửa hàng tạp hóa của bà Hương không bán loại nước mắm siêu tiết kiệm, giá 10.000 đồng/chai. "Nay rất nhiều người hỏi mua. Cửa hàng phải bổ sung thêm loại sản phẩm này", bà Hương kể.  

Chợ Long Hoa ở TX.Hòa Thành (Tây Ninh). Ảnh: Trần Khánh

Chợ Long Hoa ở TX.Hòa Thành (Tây Ninh). Ảnh: Trần Khánh

Ông Trần Minh Chánh, chủ tiệm cơm bình dân ở TP.Tây Ninh thì phàn nàn,  lúc trước trứng gà công nghiệp 1.800 -  2.000 đồng/quả. Nay giá trứng gà đã lên 2.800 - 2.900 đồng/quả.

Ông Chánh bán dĩa cơm giá 25.000 đồng. Nay giá thức ăn lên, nếu ông nâng giá dĩa cơm 28.000 đồng, khách sẽ đắn đo hoặc không ăn.  

"Người dân khu vực thành thị vừa mới trải qua một năm khó khăn, sau dịch Covid-19 lại tiếp tục đối mặt với tình trạng vật giá leo thang", ông Chánh nói.

Thu hẹp sản xuất 

Tại khu vực nông thôn, tình hình cũng không khả quan hơn. Ông Võ Văn Ten ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017 của tỉnh Tây Ninh.

Ông Ten có hơn 100ha đất nông nghiệp. Hiện nay, gia đình ông Ten chỉ còn duy trì sản xuất trên 10ha đất, chỉ bằng một phần 10 diện tích đang có.

Ông Ten kể, ngày trước ông mua khoảng 50kg đạm Phú Mỹ, tốn 500.000 đồng. Nay giá phân đã tăng 800.000-900.000 đồng, gần gấp đôi. Giá nhân công ngày trước khoảng 25.000 đồng/giờ, nay lên 40.000 đồng/giờ.

Ông Võ Văn Ten có hơn 100ha đất nông nghiệp, chuyên trồng mãng cầu và khoai mì. Ảnh: Trần Khánh

Ông Võ Văn Ten có hơn 100ha đất nông nghiệp, chuyên trồng mãng cầu và khoai mì. Ảnh: Trần Khánh

Các mặt hàng nông sản bán không được giá. Trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao.

"Giá xăng dầu mới bắt đầu giảm, chưa có nhiều tác động đáng kể. Nông dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn", ông Ten cho biết.

Mãng cầu và khoai mì là những loại cây trồng chủ lực của huyện Dương Minh Châu. Giá vật tư tăng cao vì vật giá leo thang khiến nhiều nông dân trồng mãng cầu và khoai mì chật vật.

Ông Phan Quốc Huy – Phó chủ tịch UBND xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) cho biết, những nông hộ có diện tích đất lớn như ông Võ Văn Ten đã gặp khó trong sản xuất. Với những nông hộ sản xuất nhỏ lẻ lại càng loay hoay trong bão giá.

2 năm dịch bệnh vừa qua, người dân phá bỏ diện tích mãng cầu rất nhiều. Thậm chí, nhiều người đã bỏ đất không sản xuất.

Với cây khoai mì cũng tương tự. Trước đây, nông dân trồng 1ha khoai mì có thể để thu về từ 40-50 triệu đồng. Hiện nay, chi phí tăng, nguồn thu từ khoai mì chỉ còn hơn 20 triệu đồng, không còn cao như trước kia nữa.

"Trước và sau kỳ họp thứ 3 năm 2022 của HĐND xã, rất nhiều ý kiến cử tri  phản ánh vật giá leo thang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân", ông Huy cho biết.

Ông Ten thu hẹp diện tích đất sản xuất, nhiều máy móc nông nghiệp tạm ngừng hoạt động. Ảnh: Trần Khánh

Ông Ten thu hẹp diện tích đất sản xuất, nhiều máy móc nông nghiệp tạm ngừng hoạt động. Ảnh: Trần Khánh

Ông Đặng Thủ Thừa – Phó chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết,   tình hình giá xăng dầu thời gian qua ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá nhất là những mặt hàng Nhu yếu phẩm

vật tư nông nghiệp cũng tăng lên trong khi đầu ra sản phẩm nông nghiệp ốp và vẫn còn gặp không ít khó khăn về giá cả cũng như thị trường

vì thế nguồn thu nhập chính của người dân nông thôn từ sản phẩm nông nghiệp vì thế người dân phải tiết kiệm chi tiêu

UBND huyện Dương Minh Châu đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở bán vật tư nông nghiệp, chống hàng gian, hàng giả.

"Với nhóm hộ dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, UBND phối hợp tổ chức các chương trình vận động các mạnh thường quân, để hỗ trợ thêm phần nào nhu yếu phẩm cho người dân", ông Thừa cho biết. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem