Thái Nguyên: Cận Tết, giá chè móc câu tăng phi mã chưa từng thấy, chè nõn tôm cán mốc 1 triệu/kg

Hà Thanh - Kiều Hải Chủ nhật, ngày 07/02/2021 13:58 PM (GMT+7)
Cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tại tỉnh Thái Nguyên, dù giá chè búp khô (chè móc câu) tăng phi mã, nhưng chè chế biến ra đến đâu là có thương lái thu mua hết đến đó, thậm chí không có đủ hàng để bán.
Bình luận 0

Theo một số chủ cơ sở sản xuất chè móc câu có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, chè búp khô bán được giá hơn so với Tết mọi năm.

Thái Nguyên: Gần Tết chè búp khô tăng giá, người người tranh nhau hỏi mua - Ảnh 1.

Khách đến mua chè tại HTX chè Sơn Dung

Dù giá chè tăng cao, nhưng lượng người mua không hề giảm, chè chế biến ra đến đâu là có thương lái thu mua hết đến đó, khiến những người sản xuất, kinh doanh chè rất phấn khởi.

Theo khảo sát của PV Dân Việt tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, từ ngày 15 tháng Chạp đến nay, sản phẩm chè móc câu có giá bán từ 300.000 - 350.000 đồng/kg (tăng khoảng 50.000 – 100.000 đồng/kg so với năm trước).

Riêng các sản phẩm chè đặc sản như chè tôm nõn, chè đinh có giá dao động từ 500.000 - 1 triệu đồng/kg (tăng khoảng 100.000 đến 200.000 đồng/kg so với năm trước).

Thái Nguyên: Gần Tết chè búp khô tăng giá, người người tranh nhau hỏi mua - Ảnh 2.

Công nhân đóng gói chè khô để giao hàng cho khách

Chị Nguyễn Thị Như Trang – Giám đốc HTX chè Sơn Dung (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, bắt đầu từ đầu tháng 11 âm lịch đến nay, HTX đã bán bán buôn trên 10 tấn chè, còn số lượng chè bán lẻ là khoảng 2 tấn. So với những năm trước, số lượng chè bán ra năm nay nhiều hơn, không hề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

"Do lượng khách hàng đặt mua lớn nên ngoài nhân công làm việc thường xuyên tại xưởng, gia đình phải thuê thêm 2 nhân công nữa để làm công việc đóng gói cho khách mới kịp. Tuy nhiên, có những hôm gia đình vẫn phải đóng hàng đến tận 12h đêm mới kịp để giao hàng," chị Trang chia sẻ.

Thái Nguyên: Gần Tết chè búp khô tăng giá, người người tranh nhau hỏi mua - Ảnh 3.

HTX chè Sơn Dung rất chú ý đến việc cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.

Chị Hoàng Thị Hải, Giám đốc HTX chè Liên Minh (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, từ giữa tháng 8 trở đi, HTX đã bắt đầu tích trữ một phần chè để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Vào những ngày giáp Tết Tân Sửu này, cơ sở của chị bán ra khoảng 2 tấn chè búp khô với giá bán ổn định từ 250.000 – 500.000 đồng/kg.

"So với mọi năm thì giá chè năm nay cao hơn và lượng bán ra cũng lớn hơn. Nếu không ảnh hưởng của dịch bệnh thì lượng chè bán ra còn lớn hơn nhiều. Gần Tết này, gia đình tôi chủ yếu bán hàng đóng gói sẵn để khách làm quà biếu. Đối với hàng biếu tết năm nay bán gấp đôi so với năm ngoái," Giám đốc HTX chè Liên Minh chia sẻ.

Thái Nguyên: Gần Tết chè búp khô tăng giá, người người tranh nhau hỏi mua - Ảnh 4.

Giám đốc HTX chè Liên Minh cho biết, giá chè năm nay cao hơn và lượng bán ra cũng lớn hơn

Theo chị Hải, giá chè búp khô Thái Nguyên năm nay cao hơn so với mọi năm là do ảnh hưởng của rét đậm và rét sớm nên sản lượng chè giảm sút, nguồn hàng chè khan hiếm. Nhiều cơ sở không tích trữ được nguồn hàng cũ mà chủ yếu là nguồn chè mới, nên giá chè búp khô được đẩy lên cao.

Thái Nguyên: Gần Tết chè búp khô tăng giá, người người tranh nhau hỏi mua - Ảnh 5.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, xưởng sản xuất chè của anh Dương Quang Phú luôn làm việc không ngơi nghỉ.

Còn theo anh Dương Quang Phú, HTX chè Sáo Thịnh (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), đến thời điểm này, HTX không còn chè để bán do lượng người mua lớn.

Tính từ đầu tháng đến giờ, HTX đã xuất bán được 8 tấn chè, trong đó chủ yếu bán buôn cho các đại lý. Giá chè bình dân trung bình từ 200.000 - 500.000 đồng/kg, còn chè thượng hạng có giá bán từ 1,5 triệu – 2 triệu đồng/kg.

Ông Trần Nho Hưởng – Phó Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên nhận định, trong quá trình sản xuất chè, người sản xuất đã chú trọng quan tâm đến chất lượng, mẫu mã và bao bì sản phẩm, do đó việc tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi.

Năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các sản phẩm nông nghiệp cũng như các sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Do đó, ngày càng nhiều người biết đến các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên. Từ đó, doanh số bán ra tại các HTX có các sản phẩm đạt chuẩn OCOP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tăng đáng kể.

Trong thời gian tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục chuẩn hóa các sản phẩm theo đúng quy chuẩn để đáp ứng tốt nhất thị trường trong và ngoài nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem