Thái Nguyên: Cổ Pháp - vùng quê gắn liền với tuổi thơ vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ hai, ngày 25/10/2021 07:29 AM (GMT+7)
Thôn Cổ Pháp (xã Tiên Phong, TX Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) ngày nay là quê hương của Lý Nam Đế - vị hoàng đế đầu tiên trong nghìn năm sử Việt. Đặc biệt, tại thôn Cổ Pháp có chùa Hương Ấp, là ngôi chùa gắn với tuổi thơ của "chú tiểu" Lý Bí cách đây 15 thế kỷ.
Bình luận 0

Clip: Ông Nguyễn Hữu Chinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong (TX Phổ Yêngiới thiệu về làng Cổ Pháp.

Ngôi chùa cổ, gắn với tuổi thơ của "chú tiểu" Lý Bí

Lý Nam Đế (Lý Bí) là bậc anh hùng hào kiệt, có công đánh đuổi giặc Lương, khai sinh ra nhà Tiền Lý. Sau khi lên ngôi, ông lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, trở thành vị hoàng đế đầu tiên trong nghìn năm sử Việt.

Qua quá trình dài tìm hiểu, các nhà nghiên cứu lịch sử đã khẳng định, quê hương của Lý Nam Đế ngày nay thuộc thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, TX Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

 Ngôi chùa hơn 1500 tuổi ở Thái Nguyên gắn liền với tuổi thơ của vị vua xưng đế đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 2.

Chùa Hương Ấp (xã Tiên Phong, TX Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), nơi "chú tiểu" Lý Bí từng tu hành. (Ảnh: Hà Thanh)

Làng Cổ Pháp có chùa Hương Ấp. Đây không những là ngôi chùa cổ, mà còn là nơi Lý Nam Đế đã gắn bó trong suốt quãng thời gian thơ ấu. Không ai biết chính xác ngôi chùa cổ có từ khi nào, nhưng đoán chừng phải được xây dựng trước năm 503.

Theo tương truyền, khi Lý Bí 5 tuổi đã mồ côi cha, đến 7 tuổi lại mồ côi mẹ. Do đó, Lý Bí được người chú ruột đón về chăm sóc.

Một ngày nọ, có vị Pháp tổ thiền sư đến chùa Châu Ấp (Hương Ấp) làm lễ, trông thấy Lý Bí có diện mạo khôi ngô, tuấn tú. Thiền sư liền xin Lý Bí về làm "con nuôi cửa Phật" để dạy bảo, học hành.

Đến năm 13 tuổi, Lý Bí theo Pháp tổ thiền sư về tu hành tại chùa Giang Xá (nay thuộc thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

 Ngôi chùa hơn 1500 tuổi ở Thái Nguyên gắn liền với tuổi thơ của vị vua xưng đế đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 3.

Bên phải chùa Hương Ấp có ngôi nhà nhỏ 3 gian, thờ tượng Pháp tổ thiền sư đã có công nuôi dạy Lý Bí. (Ảnh: Hà Thanh)

Chùa Hương Ấp tọa lạc trên đỉnh núi Chùa, phía trước có ngòi Gạo, núi Cao Vương, đồng Tráng, gò Cỗ Xôi. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử và nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nhưng chùa Hương Ấp vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Trong chùa hiện tại, ngoài nhà chính thờ Phật, nhà bên trái thờ Mẫu, bên phải còn có ngôi nhà nhỏ 3 gian thờ tượng vị Pháp tổ thiền sư đã có công nuôi dạy Lý Bí.

Ngoài ra, trong chùa Hương Ấp còn lưu giữ nhiều cổ vật xưa như: Ấm chén, bát đĩa, đồ gốm sứ,... và những đồ vật bằng đá của các thời kỳ trước.

 Ngôi chùa hơn 1500 tuổi ở Thái Nguyên gắn liền với tuổi thơ của vị vua xưng đế đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Tiệp Khắc - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tiên Phong (bên trái) và sư trụ trì chùa Hương Ấp giới thiệu những cổ vật còn gìn giữ tại chùa. (Ảnh: Hà Thanh)

 Ngôi chùa hơn 1500 tuổi ở Thái Nguyên gắn liền với tuổi thơ của vị vua xưng đế đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 4.

Một số cổ vật xưa còn được lưu giữ tại chùa Hương Ấp. (Ảnh: Hà Thanh)

Ngoài chùa Hương Ấp, còn có đền Mục - di tích lịch sử tiêu biểu thờ Lý Nam Đế, chùa Mãn Tăng - nơi lưu giữ những truyền thuyết, huyền thoại gắn với Lý Nam Đế tạo thành quần thể di tích Lý Nam Đế.

Ngoài ra, còn có một số địa danh khác trong quần thể liên quan đến sự nghiệp đánh giặc cứu nước của Lý Nam Đế như: Cánh đồng Tráng, bãi quần ngựa, đồi Cao Vương…

 Ngôi chùa hơn 1500 tuổi ở Thái Nguyên gắn liền với tuổi thơ của vị vua xưng đế đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 5.

Chùa Mãn Tăng là 1 trong 3 di tích nằm trong quần thể di tích Lý Nam Đế. (Ảnh: Hà Thanh)

Với những giá trị lịch sử đó, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng đền Mục và chùa Hương Ấp là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến năm 2016, chùa Mãn Tăng cũng được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Vào những dịp lễ tết, người dân trong vùng vẫn đến đây thắp hương, khấn vái để cầu phúc, cầu may. Đặc biệt là vào dịp tháng Giêng hằng năm, dân làng lại tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động và các trò chơi dân gian để tưởng nhớ vị vua đã có công đánh đuổi giặc Lương đô hộ.

Vùng đất có truyền thống cách mạng

Tuy không nhớ làng Cổ Pháp có từ thời nào, nhưng các cụ trong làng vẫn truyền lại và duy trì quy ước: Đoàn kết, bảo vệ lẫn nhau, giữ gìn tập tục truyền thống của làng.

Vì vậy, theo truyền thuyết kể lại, đã có lần dân làng phải phiêu tán, bỏ làng chạy dạt sang đất gò bãi của huyện Hiệp Hòa. Dù khai hoang lập ấp mới, họ vẫn căn dặn con cháu phải giữ lấy nếp xưa qua câu tục ngữ: "Cổ Pháp thế nào, Sôn Giao thế ấy". Đến nay, tuy thời gian lịch sử đã phai mờ, nhưng quan hệ giữa các làng vẫn còn khăng khít.

 Ngôi chùa hơn 1500 tuổi ở Thái Nguyên gắn liền với tuổi thơ của vị vua xưng đế đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 6.

Cây đa cổ thụ của làng Cổ Pháp có tuổi đời dễ đến cả nghìn năm tuổi. (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Nguyễn Hữu Chinh – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong cho biết, Cổ Pháp là một trong những làng cổ nhất trong vùng hiện nay. Đây cũng là nơi phát triển nhất về văn hóa đền chùa của thị xã Phổ Yên.

Trong thời kỳ khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám chống thực dân Pháp đô hộ, làng Cổ Pháp là địa điểm vô cùng quan trọng của ATK2. Ngôi làng là địa điểm đưa đón quân, phục vụ hậu cần cho nghĩa quân Hoàng Hoa Thám (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).

Đây cũng là ngôi làng duy nhất được tặng Bằng khen có công với nước vì có đóng góp lớn trong cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc.

Làng Cổ Pháp ngày nay vẫn giữ được khá nhiều công trình cổ còn nguyên vẹn như văn chỉ, cổng làng... Ngày nay, dân làng vẫn giữ được những phong tục do ông cha truyền lại. Vào các dịp lễ lớn trong năm, dân làng lại làm chè lam, bánh tẻ, cơm hòm…đều là những món ăn được dùng làm quân lương của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám thời trước.

 Ngôi chùa hơn 1500 tuổi ở Thái Nguyên gắn liền với tuổi thơ của vị vua xưng đế đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 7.

Giếng làng Cổ Pháp xưa kia còn giữ lại. (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Nguyễn Văn Vùng -cán bộ nghỉ hưu cho biết, xưa kia tại làng Cổ Pháp có ngôi đình lớn nhất trong vùng.

Nhưng đến năm 1947, do có chủ trương tiêu thổ kháng chiến nên ngôi đình bị dỡ ngói đi để phục vụ kháng chiến chống Pháp. Sau này, tuy cũng có chủ trương lợp lại mái đình, nhưng do kháng chiến trường kỳ nên không thể phục hồi, ngôi đình cũng dần mai một.

 Ngôi chùa hơn 1500 tuổi ở Thái Nguyên gắn liền với tuổi thơ của vị vua xưng đế đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 8.

Cổng làng Cổ Pháp ngày nay. (Ảnh: Hà Thanh)

Năm 2019, khu di tích Lý Nam Đế đã được UBND TX Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) lập quy hoạch tổng thể với diện tích 54ha. Theo đó, đền Mục được chọn là trung tâm của khu di tích với diện tích 44ha, các điểm di tích còn lại là chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng mỗi điểm quy hoạch 5ha.

Ngoài các hạng mục chính còn có các hạng mục chức năng khác như: Tượng đài Lý Nam Đế, khu công viên cảnh quan sinh thái, khu dịch vụ, vườn hoa, hồ cảnh quan…

Theo đề xuất của địa phương, giai đoạn 1 của dự án sẽ được thực hiện từ năm 2021 – 2025 với tổng mức đầu tư trên 262 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem