Thanh Hóa: 8x biến vùng đồng chiêm trũng thành trang trại bạc tỷ
Đi từ khai hoang vùng đất “chết”…
“Huy leo” là cái tên mà người dân quanh vùng đặt cho anh Mai Văn Huy (SN 1980, thôn 11, xã Nga An, huyện Nga Sơn). Vốn dĩ có tên gọi như vậy là vì suốt nhiều năm qua anh gắn sự nghiệp của mình cho những giống cây thân leo. Những ngày cận Tết, để gặp được Huy rất khó, đây là thời điểm anh đang gấp rút cho vụ dưa hoàng kim trái vụ. Sau gần 1 tiếng chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được anh.
Huy kể: “Những nhà giàn, ao tôm này là thành quả của nhiều năm qua. Trước đây, khu vực này là một vệt đồng ruộng chiêm trũng, quanh năm nước phẳng trắng băng. Gia đình tôi là nhà đầu tiên dám ra nơi này để làm kinh tế. Ngày ấy khổ lắm, đường xá, điện nước thiếu thốn đủ bề, nhìn hai cụ nhà tôi quanh năm cặm cụi với đồng ruộng mà chẳng được bao nhiêu nghĩ cũng tội”.
Trước kia, khi chưa làm nông nghiệp, anh Huy kiếm sống bằng nghề buôn bán hàng nông sản. Vốn là một người nhanh nhẹn, cần cù, tận dụng những tiềm năng ở quê, Huy vay mượn ra xe tải rồi nhập các mặt hàng nông sản ở quê đưa đi các tỉnh Tây Bắc để bán. Tiếng là lái buôn hàng nông sản nhưng cũng khó khăn đủ bề, được ít năm, chưa ổn định được kinh tế thì anh quyết định chuyển nghề về quê lập nghiệp cùng bố mẹ.
Năm 2010, sau nhiều năm tích lũy những kinh nghiệm về mặt hàng nông sản, Huy về ngay chính khu trang trại của gia đình đang làm. Nói là làm, anh thuê thêm nhiều diện tích đồng ruộng chiêm trũng lân cận, đào ao, thả cá, vùng đất cao thì trồng cây, rau củ quả.
“Có lần đi Tây Bắc nhập hàng thấy mô hình trồng dưa leo đem lại năng suất cao, tôi quyết định thử nghiệm đầu tiên bằng chính mô hình đó. Đắp đất, lập giàn bằng tre, tôi mua giống rồi ươm trồng dưa leo. Thế nhưng, lần đầu làm nông nghiệp cũng là lần thất bại. Do chưa có kinh nghiệm nên dưa không cho năng suất như mong đợi”, anh Huy tâm sự.
Không chịu thua trước những thất bại, anh đi nhiều mô hình hiệu quả ở khắp nơi để học, và rồi thành công cũng đến. Lứa dưa tiếp theo giúp anh gặt hái được thành công như mong đợi, thu lời hàng chục triệu đồng.
Đến cơ ngơi bạc tỷ
Sau 4 năm làm kinh tế trang trại, quyết “chơi lớn” một phen, Mai Văn Huy gom tất cả vốn liếng, vay mượn ngân hàng thêm 200 triệu đồng rồi mở rộng mô hình, cải tạo lại vườn tược, ao chuôm. Anh bắt đầu xây dựng theo mô hình trồng dưa trong nhà giàn, đây là mô hình nông nghiệp thời 4.0 rất năng suất.
Tuy nhiên, do kinh nghiệm còn ít, kèm theo đó là khó khăn hạn hẹp về nguồn vốn khiến những ngày đầu gặp muôn vàn khó khăn. “Cái khó lại ló cái khôn, cứ mỗi lần dưa bị sâu bệnh tôi lại thêm 1 lần biết được cách chữa, tôi nghiên cứu thấy thời tiết ở mình rất khắc nghiệt nên nảy ra ý định trồng cây theo mùa, vẫn nhà giàn như thế nhưng tôi thay đổi các giống cây liên tục cho hợp với thời tiết. Nói chung các loại cây thân leo đều được đưa về để thử nghiệm. Ấy vậy mà lại năng suất lắm”. Anh Huy cho hay.
Đầu năm 2019, để mở rộng hơn nữa mô hình nhà màng, anh quyết định vay mượn đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng rộng hơn 1.500m2 với đầy đủ các trang thiết bị phụ trợ và cùng hệ thống phun tưới tự động hiện đại theo công nghệ tưới của Israel.
Toàn bộ diện tích nhà màng này, anh Huy tiến hành trồng 3 loại dưa gồm: Dưa lưới, dưa vàng, dưa chuột, mướp đắng, cà chua. “Vì được đầu tư bài bản và đồng bộ nên cây dưa phát triển tốt, cho quả có mẫu mã đẹp và chất lượng cao, sản lượng ổn định qua các vụ. Sau 3 vụ dưa vừa qua, thu về được hơn 12 tấn dưa các loại, trung bình 1kg dưa có giá 20 ngàn đồng. Sau khi trừ chi phí, thu về hơn 160 triệu đồng”. Anh Huy chia sẻ.
Nói thêm về hệ thống nhà màng, anh Huy cho hay, tuy chi phí đầu tư hệ thống nhà màng ban đầu khá lớn nhưng nhà màng lại có nhiều ưu điểm vượt trội. Hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh của Israel. Theo đó nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc dưa, phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tưới tự động tưới chính xác cho nên cây dưa phát triển đồng đều, tránh việc lãng phí phân bón. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0.
Đến nay, sau nhiều năm vất vả, anh đang sở hữu 8.000m2 trang trại các loại, trong đó nhà giàn có 3.000m2, nhà màng 1.500m2, còn lại là 6 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, cá trắm… Mỗi năm tổng thu nhập bình quân từ 300 – 350 triệu đồng.
Ông Mai Xuân Dậu (Bí thư chi bộ, trưởng thôn 11, xã Nga An) cho biết: “Mô hình trang trại, trồng dưa trong nhà giàn của Huy là mô hình khá mới mẻ ở vùng quê nơi đây. Vốn cần cù, chịu khó nên những năm qua gia đình Huy làm ăn khấm khá hơn với cách làm nông nghiệp mới. Hiện mỗi vụ dưa Huy tạo công ăn việc làm cho từ 4 – 6 công nhân thời vụ, ngoài ra, anh còn là một Đảng viên gương mẫu đại diện cho thôn, cho xã nhiều lần đi tập huấn, giao lưu, học học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi trong tỉnh. Đây là gương sáng điển hình để thế hệ giới trẻ sau này noi gương học tập”.