Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang: Việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 24/05/2023 18:06 PM (GMT+7)
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, Quỹ phòng thủ là cần thiết bởi đây là nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại của sự cố, thảm họa.
Bình luận 0

Chiều 24/5, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trung tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Thành lập Quỹ phòng thủ dân sự: "Không để nước đến chân mới nhảy" - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới. Ảnh: Quốc hội

2 phương án về Quỹ phòng thủ dân sự

Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022), Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự. 

Liên quan quy định về Quỹ phòng thủ dân sự, do còn ý kiến khác nhau nên UBTVQH đã xây dựng 2 phương án xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội và các vị ĐBQH tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, cụ thể:

- Phương án 1: Giữ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo Luật.

- Phương án 2: Quy định: "Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa."

Bên cạnh đó, UBTVQH cũng đã giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự về các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố (Điều 18) và thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự (Điều 20); các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3 (Điều 23, 24, 25); Về biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp (Điều 26) cũng như Về chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự.

Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan soạn thảo dự án Luật và cơ quan chủ trì thẩm tra tán thành với Phương án 1, đề nghị giữ như quy định của dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung.

Về nội dung này, UBTVQH đề nghị các ĐBQH cho ý kiến cụ thể lựa chọn 1 trong 2 phương án nêu trên. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, UBTVQH sẽ chỉ đạo tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội xem xét, thông qua.

"Chuẩn bị từ sớm, từ xa"

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, hoạt động phòng thủ dân sự quy định phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa đã nói lên sự cần thiết phải chuẩn bị trước các nguồn lực. Trong đó nguồn lực tài chính là một nguồn lực rất quan trọng để ứng phó kịp thời với những thảm họa, sự cố xảy ra. 

"Không thể để nước đến chân rồi nhảy không kịp", đại biểu Mai nói.

Tuy nhiên, vị đại biểu cũng nhấn mạnh, cần lưu ý đến công tác quản lý Quỹ để đảm bảo hiệu quả và không để thất thoát.

Thành lập Quỹ phòng thủ dân sự: "Không để nước đến chân mới nhảy" - Ảnh 3.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông). Ảnh: Quốc hội

Bày tỏ nhất trí với đại biểu Mai, đại biểu Châu Chắc (Đoàn An Giang) cũng bày tỏ nhất trí với Phương án 1 là giữ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo Luật.

Theo đại biểu Chắc, những hoạt động phòng thủ dân sự diễn ra với không gian rất rộng, thời gian diễn ra rất nhanh, tính chất, mức độ, cấp độ khác nhau và rất phức tạp, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của tổ chức, của Nhà nước… 

"Thực tiễn trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, việc chuẩn bị lực lượng dự bị tốt, công tác hậu phương tốt luôn chủ động trong mọi tình huống, không bị động, bất ngờ sẽ giành thắng lợi cao và ngược lại. Do đó, việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự sẽ tạo ra nguồn lực lớn, góp phần giúp ngân sách nhà nước khi thiếu hoặc không kịp thời", ĐBQH tỉnh An Giang bày tỏ.

Phát biểu tại phiên họp, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết, hồ sơ đã đưa ra 2 phương án, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ ngay trước khi xảy ra các vụ việc, sự cố. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội ở cả 3 miền đã tương đối thống nhất, đồng thuận.

Thành lập Quỹ phòng thủ dân sự: "Không để nước đến chân mới nhảy" - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng. Ảnh: Quốc hội

Nêu những dẫn chứng cụ thể trong những tình huống cấp bách khi đối phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, nếu không có lực lượng, nguồn lực dự trữ đặc biệt về vốn, sẽ không thể ứng phó kịp, xử lý tốt, giải quyết nhanh các sự cố xảy đến.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng, đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ trong vấn đề Quỹ phòng thủ dân sự, đồng thời cũng cho biết sẽ có cách thức phù hợp để không làm phát sinh biên chế, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng mục đích. 

Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng cần có các tiêu chí cụ thể để các cấp, các ngành căn cứ vào đó có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa trong ứng phó với các thảm họa, sự cố.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem