Thành lập Vietravel Airlines: Vietravel "tay không bắt giặc"?

04/05/2020 06:29 GMT+7
Vietravel Airlines đã được Thủ tướng đồng ý thành lập. Tuy nhiên, hãng hàng không của Vietravel dính "nghi án tay không bắt giặc" khi nợ vay bất ngờ tăng vô cùng mạnh.

"Tay không bắt giặc"?

Theo quyết định ngày 3/4 về phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng đồng ý thành lập hãng hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Vietravel Airlines có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, trong đó 100% là vốn chủ sở hữu. 

Vietravel Airlines do Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) thành lập nên đây sẽ là hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước, quốc tế đến các nước trong châu lục.

Vietravel Airlines sẽ khai thác, kinh doanh từ tháng thứ 10 nhận chủ trương đầu tư. Điều này đồng nghĩa, đầu năm 2021 có thể hãng sẽ bay chuyến thương mại đầu tiên. Tuy nhiên, trên website của mình, Vietravel Airlines sẽ cất cánh trong quý 2/2020.

Thành lập Vietravel Airlines: Vietravel "tay không bắt giặc"? - Ảnh 1.

Hãng hàng không của Vietravel dính "nghi án tay không bắt giặc" khi nợ vay bất ngờ tăng vô cùng mạnh.

Hãng có 3 máy bay trong năm đầu tiên, sau đó tăng dần lên 8 tàu bay vào năm thứ năm khai thác. Vietravel Airlines chủ trương chọn các cảng hàng không thứ cấp như Chu Lai cho khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Vân Đồn và Hải Phòng cho khu vực Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng; Cần Thơ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm tránh ùn tắc.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ dự án, bảo đảm Vietravel Airlines có đủ điều kiện thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư. Việc huy động vốn của Vietravel Airlines theo tiến độ là một trong những nội dung cần được giám sát.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết Vietravel đã chuyển đủ 700 tỷ đồng (100% vốn điều lệ) vào tài khoản của Vietravel Airlines tại ngân hàng từ tháng 9/2019. Nguồn gốc của nguồn tiền này là một trong những vấn đề cần phải bàn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019, khoảng thời gian Vietravel nộp đủ 700 tỷ đồng vào tài khoản của Vietravel Airlines, nợ phải trả tại Vietravel bất ngờ tăng vọt. Tổng nợ phải trả tăng 1.006 tỷ đồng, tương đương 102% so với hồi đầu năm 2019 lên 1.989 tỷ đồng.

Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 67 tỷ đồng, tương đương 85% lên 146 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 693 tỷ đồng, tương đương… 1.925% lên 729 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ vay đạt 875 tỷ đồng, tăng 760 tỷ đồng, tương đương 661%. Số nợ vay tăng thêm nhiều hơn vốn điều lệ của Vietravel Airlines 60 tỷ đồng.

Không thể khẳng định được số nợ vay này dùng để thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines nhưng rõ ràng kể từ khi Vietravel nộp tiền vốn điều lệ của Vietravel Airlines, áp lực nợ vay tại Vietravel tăng tới 661%.

Thua lỗ trước thềm ra mắt Vietravel Airlines

Trong quý 1/2020, đại dịch Covid-19 hoành hành khiến hàng không và du lịch là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp du lịch hoặc báo lãi giảm sâu hoặc thua lỗ nặng. Vietravel là trường hợp thứ hai.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020, Vietravel đã thua lỗ tới 41,5 tỷ đồng dù cùng kỳ năm ngoái lãi 5,2 tỷ đồng. Đại dịch Covid-19 đã khiến doanh thu của Vietravel lao dốc, giảm 613 tỷ đồng, tương đương 43,7% so với quý 1/2019.

Trong kỳ, Vietravel đã nỗ lực cắt giảm chi phí. Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng lần lượt giảm từ 87,6 tỷ đồng xuống 57 tỷ đồng và từ 10,4 tỷ đồng xuống 8,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietravel còn được hỗ trợ bởi doanh thu hoạt động tài chính tăng 17,4 tỷ đồng, tương đương 2.900% lên 18 tỷ đồng.

Thế nhưng, hoạt động kinh doanh vẫn khiến Vietravel thua lỗ 41,1 tỷ đồng nên khiến lợi nhuận sau thuế Vietravel là âm 41,5 tỷ đồng.

Con số thua lỗ này không thể chỉ "đổ lỗi" cho Covid-19. Trên thực tế, có một nguyên nhân khác đóng góp không nhỏ khiến lợi nhuận của Vietravel là con số âm. Đó là chi phí tài chính quá cao.

Trong kỳ, chi phí tài chính tại Vietravel lên tới 23,6 tỷ đồng, tăng 20,8 tỷ đồng, tương đương 743% so với quý 1/2019. Trong đó, chi phí lãi vay là 21,2 tỷ đồng, chiếm tới 90% chi phí tài chính.

Chi phí lãi vay đang gây áp lực lớn lên hoạt động của Vietravel dù suốt thời gian qua, Vietravel đã nỗ lực giảm nợ phải trả. Tại thời điểm 31/3/2020, tổng nợ phải trả tại Vietravel là 1.703 tỷ đồng, giảm 240 tỷ đồng, tương đương 12,4% so với hồi đầu năm.

Dù vậy, nợ phải trả vẫn cao gấp 8,6 lần vốn chủ sở hữu. Đây là tỷ lệ rất cao, có thể gây ra rủi ro tài chính. Tại thời điểm cuối quý 3/2019, tỷ lệ này là 4,4%, thấp hơn nhiều so với 8,6% nhưng cũng là con số rất cao.

Tổng nợ phải trả giảm nhưng tổng nợ vay lại tăng, đạt 941 tỷ đồng, cao hơn so với con số 875 tỷ đồng cuối kỳ Vietravel nộp 700 tỷ đồng vốn điều lệ cho Vietravel Airlines.

Cất cánh giữa thời kỳ khủng hoảng hàng không

Nợ vay là một vấn đề không hề nhỏ của Vietravel Airlines. Nhưng có một vấn đề lớn mà hãng hàng không nay đang phải đối mặt chính là khủng hoảng hàng không do đại dịch Covid-19 gây ra.

Vietravel Airlines dự kiến cất cánh trong quý 2/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 chắc chắn chưa kết thúc trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, trong quý 1/2020, Covid-19 đã kịp làm các hãng hàng không thể giới cũng như Việt Nam lao đao vì phần lớn các chuyến bay bị hủy bỏ.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính, 25% sản lượng ngành hàng không đến từ các chuyến bay từ Trung Quốc. Khi các chuyến bay này đã ngừng khai thác từ đầu tháng 2 đến nay, sản lượng toàn ngành hàng không được dự báo sẽ giảm khoảng 30% trong quý đầu năm, sau đó giảm 23% trong quý 2 so với cùng kỳ. Sự phục hồi, nếu có, sẽ chỉ bắt đầu một cách từ từ trong nửa cuổi năm.

Dự kiến doanh thu năm 2020 của Vietnam Airlines có thể giảm đến 12.500 tỷ đồng khiến hãng hàng không quốc gia có thể thua lỗ 4.300 tỷ đồng. Vietjet Air cũng lao đao bởi hoạt động chính của mình. Tuy nhiên, Vietjet Air có thể bù đắp được bằng doanh thu bán máy bay. Còn Bamboo Airways, do không thể cất cánh được, hãng hàng không này đã khiến công ty mẹ là FLC thua lỗ thảm trong quý 1/2020.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục