Thấy gì từ 2 lần tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước
Chủ động ứng phó với lạm phát
Theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), kể từ 2021, lạm phát trên toàn cầu đã tăng nhanh và kéo dài hơn so với dự kiến. Năm 2022, lạm phát tại các nền kinh tế tiên tiến đạt mức cao nhất kể từ 1982.
Lạm phát Hoa Kỳ tăng kỷ lục sau 40 năm lên 8,3% vào tháng 8/2022. Tỷ lệ này ở khu vực đồng euro là 10% vào tháng 9, trong khi tại Vương quốc Anh là 9,9%.
Tại Châu Á, lạm phát tháng 8/2022 của Thái Lan tăng 7,9%; Hàn Quốc tăng 5,7%; Indonesia tăng 4,7%; Nhật Bản tăng 3%; Trung Quốc tăng 2,5%. IMF dự báo lạm phát toàn cầu có thể tăng lên 8,8% trong năm 2022 và sẽ chỉ giảm bớt vào 2023 và 2024.
Trong nước, theo Tổng cục Thống kê, lạm phát tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.
Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung khi CPI tháng 9/2022 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm vẫn hiện hữu. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga – Ucraina chưa chấm dứt.
Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng. Kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.
Rủi ro lạm phát cũng được nhiều tổ chức, chuyên gia cảnh báo. Nhà kinh tế Chua Han Teng của DBS (Singapore) cho rằng, áp lực tăng giá hơn nữa sẽ vẫn còn tiếp diễn khi nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh hơn, ngay cả khi cầu bên ngoài giảm bớt.
Do đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần quan tâm đến việc kiềm chế những áp lực tăng giá như vậy, đặc biệt là để tránh lạm phát cao như đã xảy ra trong quá khứ.
Vào tháng 9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tỷ lệ lạm phát của Việt Nam so với ước tính của tháng 4 ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4% cho năm 2023.
Còn Văn phòng Nghiên cứu vĩ mô Đông Nam Á (Amro) trong báo cáo tham vấn tháng 10/2022, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam khoảng 7% năm 2022 với lạm phát ở quanh mức 3,5% nhưng các rủi ro với áp lực lạm phát là tương đối lớn.
ANZ Research vào ngày 28/9 cũng dự báo tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam trung bình ở mức 3,4% vào năm 2022 nhưng từ qúy 4, có những rủi ro cho thấy lạm phát CPI có thể sẽ tiếp tục tăng trong một vài quý và sẽ cần phải có những phản ứng chính sách tiền tệ phù hợp.
Trước bối cảnh đó, ngày 22/9/2022, (NHNN) đã lần đầu tiên tăng lãi suất điều hành, với lãi suất tái cấp vốn từ 4% tăng lên 5% và lãi suất chiết khấu từ 2,5% tăng lên 3,5%.
Tiếp sau đó, ngày 25/10/2022, NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.
Bên cạnh đó, NHNN cũng điều chỉnh tăng các mức trần lãi suất tiền gửi dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; tiền gửi kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng từ 5,0% lên 6,0%/năm.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, quyết định tăng lãi suất của NHNN được xem là một biện pháp quan trọng để chống lạm phát. Khi lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Fed và các ngân hàng trung ương lớn liên tục điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Điều này đã khiến đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao, tạo sức ép lên lạm phát. Vì vậy, Việc NHNN tăng lãi suất là một phản ứng chủ động, kịp thời để giảm bớt các áp lực lạm phát.
Ổn định tỷ giá hối đoái
Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế cũng việc tăng lãi suất chính sách của NHNN là phù hợp trước áp lực tỷ giá giữa đồng Việt Nam so với USD đang tăng cao, việc NHNN tăng lãi suất là cần thiết để đảm bảo giá trị tiền VND và giữ tỷ giá không biến động quá lớn.
Mặc dù so với các đồng tiền ở Đông Nam Á, và châu Á đồng Việt Nam là đồng tiền giữ được sự ổn định tốt hơn hẳn.
Theo Trading Economics, tính đến ngày 28/9, đồng yên Nhật đã giảm giá mạnh, với tỷ giá USD/JPY tăng 29,23% so với đầu năm. Đô la Mỹ so với Peso của Philippines (USD/PHP) đã tăng 15,87% so với đầu năm. USD/IDR (đô la Mỹ sang đồng Rupiah Indonesia) đã tăng 6,79% so với đầu năm.
Theo GS-TS Trần Thọ Đạt, các nước trên thế giới liên tục tăng nhanh các mức lãi suất đã gia tăng sức ép lên tỷ giá. Tỷ giá gia tăng không chỉ khiến nguy cơ nhập khẩu lạm phát lớn hơn, gia tăng sức ép lên lạm phát mà ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, nếu muốn kiềm chế lạm phát, tiếp tục duy trì dòng vốn đầu tư thì cần ổn định được tỷ giá. Trong bối cảnh đó, giúp ổn định tỷ giá trong một khung khổ nhất định. Việc NHNN tăng lãi suất là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, giúp ổn định tỷ giá trong một khuôn khổ nhất định để duy trì và thu hút đầu tư nước ngoài, tạo bộ đệm giảm bớt sức ép với tỷ giá.
Chuyên gia Chua Han Teng của DBS, tiền đồng đang đối mặt với áp lực giảm giá ngày càng tăng từ việc Fed thắt chặt chính sách và tỷ lệ lạm phát dự kiến sẽ tăng nhanh. Ông Teng cho rằng, chính sách lãi suất thấp, vốn có tác dụng đối với các điều kiện bất thường trong thời kỳ đại dịch, không còn hợp lý nữa, đặc biệt với nguy cơ suy thoái ở Mỹ, điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Nhà kinh tế của DBS cũng nhấn mạnh, việc bình thường hóa chính sách tiền tệ một cách thận trọng để xây dựng lại một số vùng đệm dự phòng sẽ giúp Việt Nam có được vị thế tốt hơn để đối phó với môi trường bên ngoài toàn cầu ngày càng khó khăn. Vì vậy việc NHNN bình thường hóa các chính sách tiền tệ là cần thiết để kiềm chế áp lực lên tỷ giá trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Và cần phải có một lập trường chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Điều này cũng đã được NHNN khẳng định trong các thông điệp phát đi thời gian qua. Đó là NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ CSTT, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các TCTD; qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.