Lãi suất không thể không tăng, nếu không năm sau sẽ khó khăn

Huyền Anh Thứ tư, ngày 26/10/2022 10:30 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát vẫn còn dư địa nên lãi suất điều hành có thể tăng lên 10% nhưng làm từ từ để tránh cho nền kinh tế bị "sốc". Đáng nhẽ việc tăng lãi suất, NHNN nên làm từ đầu năm chứ như hiện nay vừa điều chỉnh tỷ giá, vừa tăng lãi suất
Bình luận 0

Sau quyết định tăng các loại lãi suất điều hành và có hiệu lực từ 25/10 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, trò chuyện với Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt, PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia kinh tế, cho rằng điều này đáng lẽ Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh từ đầu năm, bởi lạm phát chúng ta còn thấp, còn dư địa để tăng. Vì không tăng lãi suất, năm 2023 nền kinh tế sẽ rất khó khăn.  

Chính sách đúng nhưng còn "giật cục", gây "sốc"

Quyết định tăng lãi suất điều hành từ ngày 25/10 của Ngân hàng Nhà nước là bước đi tiếp theo sau khi cơ quan này nâng biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD, tăng giá bán USD tại Sở GDNHNN. Ông đánh giá thế nào về loạt "hành động mới" này của Ngân hàng Nhà nước?

- Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước làm như thế là đúng trong bối cảnh hiện nay khi áp lực tăng tỷ giá ngày càng leo thang.

Tỷ giá bản chất là sức mua của đồng tiền, khi sức mua thay đổi do các yếu tố khác nhau dẫn tới thay đổi về tỷ giá. Ở đây là việc, USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất với cường độ cao.

Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD: Yên Nhật mất giá khoảng 40%, Euro và bảng Anh mất giá khoảng 30%,... Do đó, việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị đồng tiền là khó tránh. Tính từ đầu năm đến nay, VND mất giá tới 9%.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường: "Không thuốc nào không đắng", nếu cần lãi suất điều hành có thể tăng lên 10% - Ảnh 1.

PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia kinh tế (Ảnh:DV)

Hơn nữa, việc Fed tăng lãi suất, trong khi đó tại Việt Nam lãi suất USD bằng 0, đương nhiên điều này khiến cho USD "chảy ra", dẫn tới thiếu nguồn cung về ngoại tệ.

Hai là, mặc dù Việt Nam xuất siêu trên cán cân thương mại, nhưng không bù được thâm hụt của cán cân vốn, cán cân dịch vụ. Khi đó, gây sức ép lên tỷ giá.

Trước đó, để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã dùng biện pháp như: Bán ra hơn 20 tỷ USD dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay…

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại sức ép lên tỷ giá ngày càng lớn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải có những điều chỉnh phù hợp, như nới biên độ tăng tỷ giá hay tiếp tục tăng lãi suất điều hành kể từ ngày 25/10. Xét về lý thuyết, quốc gia nào tăng lãi suất thì sẽ hỗ trợ cho sức mạnh của đồng nội tệ, giúp đồng nội tệ không bị mất giá nhiều so với USD.

Tuy nhiên, dù chính sách của Ngân hàng Nhà nước là đúng trong bối cảnh hiện nay nhưng vẫn có cái "dở".

Ông có thể chia sẻ rõ hơn?

- "Dở" ở chỗ, lẽ ra chúng ta nên có những điều chỉnh từ từ, từng bước từ đầu năm bởi việc áp lực tỷ giá tăng không phải bây giờ mà đã nhìn thấy từ hồi quý I/2022. Thay vì đến bây giờ trong một thời gian ngắn vừa điều chỉnh mạnh tỷ giá, vừa liên tục tăng lãi suất. Nếu điều chỉnh từng bước sẽ đỡ "sốc" với thị trường hơn.

Tuy nhiên, thời điểm này thì bắt buộc phải điều chỉnh nếu không làm bây giờ thì sang năm cũng phải làm và khi đó sẽ nguy hiểm hơn. Lý do, thời điểm này dù sao tăng trưởng kinh tế vẫn khá, sức chống chịu của nền kinh tế còn tích cực.

Theo ông việc điều chỉnh tỷ giá, lãi suất như vừa qua, sẽ tác động thế nào đến lạm phát của nền kinh tế?

- Một khi đồng nội tệ mất giá lớn, lạm phát sẽ tràn vào và gây bất ổn vĩ mô. Lạm phát cao sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng, thu nhập, bất ổn xã hội. Đây là lý do các nước đều cần "phòng tuyến" tỷ giá.

Tuy nhiên, lạm phát của Việt Nam bao giờ cũng có độ trễ so với thế giới, nhất là các chính sách về tỷ giá vừa qua phản ánh vào lạm phát là chắc chắn nhưng chưa phản ảnh ngay mà thường sau khoảng 1 quý.

Do đó, năm nay lạm phát theo tính toán như của Tổng Cục Thống kê chỉ quanh khoảng 4%.

Nhưng năm sau 2023, lạm phát năm 2023 chắc chắn là cao. Tuy nhiên, như Việt Nam, theo tôi lạm phát có thể lên tới 6% hay 7% cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Do đó, thay vì lấy mốc lạm phát 4%, chúng ta có thể xem xét nới lỏng chỉ tiêu lạm phát để điều hành thoải mái hơn.

Dù ông nói rằng, lạm phát của Việt Nam có thể lên tới 6 hay 7% vẫn chấp nhận được nhưng khi nhìn vào việc lãi suất huy động vượt trên 9%, tỷ giá leo qua mốc 25.000 VND/USD,... tất cả những điều đó gây ra sự "bất an" về tâm lý cho người dân?

- Điều đó là chắc chắn. Cả thế giới bất an không riêng gì Việt Nam. Bao nhiêu năm lạm phát của Mỹ 2- 3%, nay vọt lên gần 10%, lãi suất cũng vậy. Chúng ta phải xác định, chúng ta đang nằm trong thế giới biến động, làm sao mình có thể đứng im được. Nguyên tắc là, sống trong thế giới có sự tương tác lẫn nhau, bất ổn chúng ta cũng phải bị ảnh hưởng. Tất nhiên Chính phủ sẽ điều hành làm sao cho mức độ bất ổn định ở mức thấp nhất.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay mặc dù bất ổn nhưng Việt Nam vẫn ổn khi lạm phát thấp, đời sống người dân vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Lãi suất điều hành có thể tăng lên 10%, nếu cần

Tỷ giá, lãi suất cũng đang là nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp nước ta hiện nay. Tuy nhiên, "hành động" mới của Ngân hàng Nhà nước dù phần nào kìm cương tỷ giá nhưng sẽ góp phần kích hoạt cuộc đua tăng lãi suất. Làm sao để mặt bằng lãi suất cho vay ổn định như lời kêu gọi của Thủ tướng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng mạnh như hiện nay?

- Lãi suất cho vay bắt buộc phải tăng. Ở đây thực ra có 2 vấn đề đó là ý định chính trị là muốn giữ lãi suất ổn định – đó là tốt. Nhưng thị trường lại không phụ thuộc vào ý định chính trị. Lãi suất tăng hay giảm trên cơ sở cung cầu, nền kinh tế thiếu vốn lãi suất tăng là tất yếu.

Lạm phát thì phải tăng lãi suất huy động, người dân mới gửi tiền nếu không tiền sẽ được đổ vào chỗ khác. Thanh khoản thiếu phải tăng lãi suất. Vì vậy, chắc chắn lãi suất cho vay sẽ tăng.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường: "Không thuốc nào không đắng", nếu cần lãi suất điều hành có thể tăng lên 10% - Ảnh 3.

Tỷ giá, lãi suất đang là nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp.

Như vậy, khó khăn của doanh nghiệp nên được "giải" như thế nào?

Giải pháp đó là thể chế. Giảm bớt chi phí hoạt động cho doanh nghiệp thay vì ngâm hồ sơ dự án cả năm không phê duyệt chẳng hạn.

Chính phủ cũng đã ban hành gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng. Theo tôi, quan trọng nhất là giải ngân đầu tư công.

Một trong lý do lãi suất tăng là thiếu thanh khoản mà một phần nguyên nhân là lượng vốn đầu tư lớn đọng trong hệ thống kho bạc, làm cho vòng quay tiền giảm, không có tiền đẩy vào lưu thông. Vì vậy, đẩy nhanh đầu tư công là ưu tiên số 1.

Thực tế, việc này đã có nhiều quy định nhưng có động lực để làm hay không lại là câu chuyện khác.

Chúng ta có cái rất khó đó là người làm trực tiếp là công chức bậc thấp chứ không phải công chức bậc cao. Công chức bậc cao có thể rất giỏi, quyết liệt nhưng bên dưới không làm thì cũng không làm gì được. Ách tắc là như thế.

Trong kinh tế chính trị học chỉ ra rằng, công chức nhà nước không có động lực gì để làm nhanh, không phải chỉ ở Việt Nam mà nước nào cũng thế. 

Lý do, do công chức bậc thấp "có tóc đâu mà túm", trong khi đó hệ thống công chức hiện nay tuyển dụng hay sa thải đâu phải dễ, như Việt Nam đòi hỏi đủ loại trình độ bằng cấp, giấy tờ. 

Do đó, muốn giải quyết vấn đề này cần đặt áp lực về mặt chỉ tiêu cho công chức, tức là phải có chỉ tiêu đánh giá cực kỳ rõ ràng.

Theo ông nếu áp lực tỷ giá vẫn tiếp tục leo thang, Ngân hàng Nhà nước nên làm gì?

Ngân hàng Nhà nước có công cụ khác không phải phá giá đó là tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ, công cụ thứ hai là tiếp tục tăng lãi suất tiền đồng.

Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước mới tăng lãi suất điều hành lên 6%, nhưng tôi nghĩ có thể tăng lên 8%, thậm chí 10%, nếu cần. Lúc đó lãi suất ngoài thị trường tăng lên không sao cả. Bởi không muốn đồng tiền mất giá quá lớn gây bất ổn vĩ mô thì phải chấp nhận đánh đổi tăng trưởng, hy sinh đầu tư vào doanh nghiệp vì bây giờ "không có thuốc nào là không đắng".

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem