Thế nào là vùng xanh, vùng đỏ? NLĐ cần chú ý gì với vùng da cam?

07/08/2021 20:00 GMT+7
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu vùng xanh, vùng da cam, vùng đỏ có những biện pháp riêng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 phân chia các vùng thành 04 màu. Màu xanh tương ứng với vùng bình thường mới, màu vàng là vùng nguy cơ, màu cam là nguy cơ cao và màu đỏ là vùng nguy cơ rất cao.

Thế nào là vùng xanh?

Vùng xanh thực chất là các vùng an toàn, vùng không có dịch.

Hiện nay, vùng xanh không chỉ có ở Hà Nội mà nhiều địa phương cũng đang triển khai, đặc biệt là địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Mỗi địa phương sẽ có những cách để khoanh vùng và bảo vệ khu vực vùng xanh khác nhau. Vùng xanh có thể là một ngõ, một khu vực, một hẻm chưa có ca nhiễm Covid-19 nào, được lập chốt chặn và có thông báo ở đầu ngõ, hẻm…

Theo đó, tất cả người lạ đều không được ra vào vùng xanh. Trong trường hợp cấp thiết, ra vào đều phải khai báo y tế, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Người vận chuyển hàng hóa đến chỉ được giao tại bàn chốt trực, người dân muốn ra khỏi khu vực phải có giấy đi đường, giấy công tác, phiếu đi chợ.

Mô hình vùng xanh ra đời nhằm đảm bảo không có dịch lọt vào khu dân cư, nếu có cũng  không lây nhiễm chéo trong thời gian vàng thực hiện Chỉ thị 16.

Tại Công điện 18, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị mỗi người dân ở vùng xanh ngoài việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết cũng nên phát huy vai trò cùng tham gia thành lập các khu vực tự quản. Chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền, kiểm soát việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh.

Thế nào là vùng xanh, vùng đỏ? NLĐ cần chú ý gì với vùng da cam? - Ảnh 1.

Vùng xanh thực chất là các vùng an toàn, vùng không có dịch.

Thế nào là vùng da cam?

Vùng da cam được hiểu là vùng nguy cơ, vùng có khả năng lây nhiễm Covid-19 lớn. Vùng da cam gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh…

Tại vùng da cam, Hà Nội cho phép chính quyền cơ sở phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi đảm bảo các quy định phòng chống dịch.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát qua việc tiếp nhận các ý kiến giám sát của nhân dân trên địa bàn hoặc qua công tác kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở.

Mỗi cán bộ, công chức, người lao động, người dân tại vùng da cam cần nghiêm túc chấp hành việc khai báo y tế bằng mã QR Code khi đến làm việc, lao động hoặc mua sắm.

Thế nào là vùng đỏ?

Vùng đỏ là khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly. Vùng này là vùng tương đối nguy hiểm, người dân không nên đến gần để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Khu vực trong vùng đỏ phải tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm và thu hẹp phạm vi có dịch, dập dịch nhanh nhất có thể.

Đối với khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly “vùng đỏ”: Chính quyền cơ sở quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế với diện tích phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và nguy cơ; chủ động quyết định các biện pháp cao hơn đảm bảo không để dịch bệnh lây lan trong khu vực và kiểm soát, khống chế trong thời gian ngắn nhất. Người dân trong khu vực chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của chính quyền cơ sở.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu truy vết, xét nghiệm trong thời gian ngắn nhất. Rà soát lại năng lực xét nghiệm của Thành phố, huy động tối đa khả năng phối hợp giữa các cơ sở xét nghiệm đảm bảo năng lực đáp ứng các cấp độ, kịch bản, diễn biến dịch bệnh của Thành phố; triển khai nhanh, hiệu quả các nền tảng công nghệ hỗ trợ truy vết, xét nghiệm; hoàn thành triển khai giải pháp công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc liên thông toàn bộ kết quả xét nghiệm các cấp, các khu vực.

Tổ chức điều phối, chuyển mẫu nhanh từ nơi lấy mẫu đến các cơ sở xét nghiệm; đồng thời áp dụng việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý toàn bộ quy trình từ khi lấy mẫu đến trả kết quả. Căn cứ mức độ lây lan và tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn để quyết định các phương pháp xét nghiệm đảm bảo hiệu quả, an toàn và chính xác.

Cơ quan y tế và chính quyền cơ sở chủ động thực hiện việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo tình hình, mức độ dịch bệnh; linh hoạt trong từng tình huống đảm bảo đạt kết quả sàng lọc nhanh nhất, tranh thủ từng ngày, từng giờ, tránh bỏ sót nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo hiệu quả cao nhất. Triển khai thử nghiệm việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu dưới sự giám sát của ngành y tế.


PV
Cùng chuyên mục