Thêm 3,84 triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp, chứng khoán Mỹ giảm mạnh

01/05/2020 08:55 GMT+7
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch 30/4 sau khi nhà đầu tư đối diện với hàng loạt dữ liệu kinh tế ảm đạm do dịch bệnh.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 288,14 điểm, tương đương 1,2% xuống mức 24.345,72 điểm. S & P 500 giảm 0,9% xuống 2.912,43 điểm trong khi Nasdaq Composite giảm 0,3% xuống còn 8.889,55 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng là lĩnh vực sụt giảm mạnh nhất trên phố Wall. Cổ phiếu Bank of America trượt gần 3% trong khi cổ phiếu Citigroup giảm 3,4%. Cổ phiếu JPMorgan Chase trượt 2,2%.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm sau khi Bộ Lao động báo cáo thêm 3,84 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, qua đó nâng tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 6 tuần gần nhất lên hơn 30 triệu.

Chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ cũng giảm mạnh 7,5% trong tháng 3/2020 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu thống kê mới nhất.

Sự gia tăng mạnh mẽ số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp và giảm mạnh chi tiêu tiêu dùng là do các doanh nghiệp buộc phải tạm đóng cửa trong khi người tiêu dùng chôn chân tại nhà vì đại dịch Covid-19.

Các cổ phiếu cũng chịu áp lực sau khi Ngân hàng Trung Ương Châu Âu ECB không mở rộng chương trình mua tài sản khẩn cấp để hỗ trợ nền kinh tế suy giảm do dịch bệnh.

Thêm 3,84 triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp, chứng khoán Mỹ giảm mạnh  - Ảnh 1.

4/2020 là một trong 3 tháng tăng tốt nhất của S&P 500 từ sau Thế chiến II đến nay

Mặc dù chứng kiến mức giảm mạnh trong phiên giao dịch 30/4, các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn ghi nhận mức tăng tháng tốt nhất trong nhiều thập kỷ. S&P 500 tăng 12,7% trong tháng 4, một trong ba tháng giao dịch tốt nhất kể từ Thế Chiến II đến nay. Dow Jones cũng chứng kiến mức tăng tháng 11,1%, tháng giao dịch tốt nhất trong 33 năm qua. Còn Nasdaq Composite tăng 15,5% trong tháng 4, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2000.

Mức tăng mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ trong tháng 4 đi ngược lại hoàn toàn tháng 3 tồi tệ trước đó, khi S&P 500 giảm 12,5% còn Dow Jones mất hơn 13%. Sở dĩ thị trường tăng trưởng như vậy là do kỳ vọng khôi phục hoạt động sản xuất và tái mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến cũng như hy vọng vào thuốc điều trị Covid-19 tiềm năng từ Gilead Science. Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia hôm 29/4 cho hay thuốc Remdesivir do Gilead Science phát triển đang cho thấy tác dụng tích cực rõ ràng khi điều trị Covid-19.

Dù vậy, ông Michael Shaoul, chủ tịch và CEO của Marketfield Asset Management cảnh báo: “Ngay cả trong kịch bản phục hồi lạc quan nhất, chúng tôi vẫn dự báo nền kinh tế rơi vào khủng hoảng suy thoái thực sự do sự mất cân bằng cung cầu”. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục