Thị trường chứng khoán 4/3: Nỗ lực phục hồi rất yếu

04/03/2020 07:03 GMT+7
VN-Index dự báo có thể duy trì diễn biến tăng điểm với mục tiêu là vùng giá 918 – 925 điểm. Mặc dù vậy đây vẫn chỉ được đánh giá là nhịp hồi phục và hiện vẫn còn sớm để lạc quan về một xu hướng tăng giá mạnh mẽ.

Dù VN-Index đã tăng mạnh ngày hôm qua nhưng các công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty chứng khoán Vndirect (VND) và Công ty chứng khoán Tân Việt vẫn rất thận trọng khi dự báo xu hướng thị trường chứng khoán hôm nay 4/3.

TVSI: Hạn chế mua đuổi

VN-Index đóng cửa tại 890,61 điểm, tăng 6,18 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng mạnh về số mã tăng giá. Trong khi đó, thanh khoản đạt 2.920 tỷ, tăng 4,4% nhưng vẫn duy trì dưới mức bình quân 20 phiên gần nhất.

Thị trường hồi phục tốt với sự nâng đỡ của nhóm Ngân hàng. Hiệu ứng tích cực có sự lan tỏa tới các nhóm cổ phiếu, tuy nhiên thanh khoản không có nhiều cải thiện cho thấy tâm lý thận trọng vẫn đóng vai trò chủ đạo.

Trong những phiên tới, VN-Index dự báo có thể duy trì diễn biến tăng điểm với mục tiêu là vùng giá 918 – 925 điểm. Mặc dù vậy đây vẫn chỉ được đánh giá là nhịp hồi phục và hiện vẫn còn sớm để lạc quan về một xu hướng tăng giá mạnh mẽ.

Thị trường chứng khoán 4/3: Nỗ lực phục hồi rất yếu - Ảnh 1.

Vẫn còn sớm để lạc quan về một xu hướng tăng giá mạnh mẽ.

Chúng tôi cho rằng NĐT chưa nên vội mua đuổi ở thời điểm hiện tại. Vùng hỗ trợ 880 – 900 điểm, vùng kháng cự 918 – 925 điểm, vùng kháng cự tiếp theo 940 – 950 điểm.

Nhận định Dòng cổ phiếu nổi bật:                   

Nhóm Ngân hàng tăng giá ở nhiều cổ phiếu. Diễn biến ngắn hạn đang dần khả quan trở lại, mặc dù vậy rủi ro từ thị trường vẫn còn lớn. Do đó NĐT nên tiếp tục duy trì vị thế quan sát.

Nhóm Thủy sản, Dệt may hồi phục tốt. Tâm lý lo ngại Covid – 19 suy yếu thúc đẩy dòng tiền đẩy mạnh mua vào đối với nhóm này. Tuy nhiên chúng tôi không đánh giá cao khả năng bứt phá mạnh trong bối cảnh KQKD ngắn hạn của 2 nhóm này dự báo kém khả quan.

VND: Khó trở lại vùng 900 điểm

Thị trường Việt Nam khởi sắc từ phiên ATO sau khi Phố Wall phục hồi mạnh đêm trước. Tuy vậy, áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng đưa thị trường về thế cân bằng và duy trì ở đó trong phần lớn thời gian giao dịch. Chỉ số VN-Index chốt phiên tăng nhẹ 0,7%, giá trị giao dịch tăng nhẹ so với phiên trước. Từ góc nhìn Phân tích kỹ thuật, chúng tôi thấy chỉ số gặp khó khăn quay trở lại vùng 900 sau khi đánh mất điểm tựa này trong tuần trước.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 269 tỷ VNĐ trên HOSE, tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VRE, HPG, SAB, VHM, VCB, HDB, VIC và MSN. Hoạt động bán rộng trên danh mục vốn hóa lớn nhiều khả năng là hệ quả của làn sóng rút vốn khỏi các quỹ đầu tư chỉ số một tuần gần đây. Bất chấp phiên phục hồi mạnh đầu tuần của thị trường quốc tế, xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi & cận biên tiếp tục gây sức ép lên thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á.

Đà đi xuống của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, GAS, MSN, VHM, VRE, SAB, HPG đang chi phối xu hướng giảm của VNINDEX và VN30. Cổ phiếu ngân hàng là động lực thúc đẩy chỉ số trong giúp đà giảm chậm lại. Nhìn chung, số lượng cổ phiếu đứng về phía suy yếu đang chiếm đa số.

Chúng tôi chưa nhìn thấy thị trường chứng khoán quốc tế bình ổn trở lại, trong khi nội lực của thị trường Việt Nam chưa cho thấy khả năng tự đứng vững. Nhà đầu tư dễ dàng phản ứng bi quan với các thông tin bất lợi và tỏ ra thận trọng với thông tin có lợi. Từ góc nhìn ngắn hạn, đây là thời điểm cần đề cao bảo toàn vốn và giữ quy mô đầu tư ở mức có thể chịu đựng được với mỗi cá nhân.

BVSC: Bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Vn-Index dự báo sẽ tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự 898-905 điểm trong những phiên kế tiếp. Tuy nhiên, đà hồi phục của thị trường có thể sẽ đan xen các nhịp rung lắc, điều chỉnh.

Ngoài ra, điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng của khối ngoại và nguy cơ lan rộng và kéo dài của đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp nội cũng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề khi đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và không có dấu hiệu được kiểm soát nhanh chóng.

Chiến lược đầu tư:

- Duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 20-30% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường và các cổ phiếu để bán giảm tỷ trọng, đặc biệt là khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự 898-905.

- Nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt có thể xem xét thực hiện giải ngân với tỷ trọng thấp khi thị trường kiểm định lại vùng hỗ trợ 860-880 điểm.

Tiểu My
Cùng chuyên mục