Thị trường chứng khoán Châu Âu vừa trải qua quý tồi tệ nhất trong 18 năm
Quý tồi tệ nhất trong vòng 18 năm trên thị trường chứng khoán Châu Âu
Tính đến hết 31/3, chỉ số Stoxx 600 trên thị trường Châu Âu đã giảm mạnh 23,03% so với đầu năm, tồi tệ hơn cả hồi Đại suy thoái 2008.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm mạnh 28,94% trong quý tồi tệ nhất lịch sử, cũng là mức sụt giảm lớn nhất so với các chỉ số chứng khoán Châu Âu khác. Chỉ số FTSE MIB của Italy cũng chứng kiến quý giảm tệ nhất lịch sử khi lao dốc 27,46%.
Sở dĩ sàn chứng khoán Tây Ban Nha và Italy giảm sâu đến vậy là bởi hai quốc gia Châu Âu này bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả bởi đại dịch Covid-19. Tính đến hôm 31/3, Italy hiện là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới sau Mỹ với 105.000 ca nhiễm và 12.400 trường hợp tử vong. Còn Tây Ban Nha xác nhận 95.000 ca nhiễm với 8.400 trường hợp tử vong, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Tại Pháp, chỉ số CAC 40 kết thúc quý I giảm 26,46%.
Trên thị trường chứng khoán Anh, chỉ số FTSE 100 giảm 24,8%.
Còn tại Đức, DAX cũng tụt 25% trong quý.
Không riêng chứng khoán Châu Âu, chứng khoán Mỹ cũng vừa khép lại một quý tồi tệ khi Dow Jones giảm 23,2%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1987 đến nay. S&P 500 cũng chứng kiến mức lao dốc 20%, khoản lỗ hàng quý lớn nhất kể từ năm 2008.
Tương lai mờ mịt
Khi hàng loạt chuyên gia phân tích toàn cầu cảnh báo viễn cảnh suy thoái kinh tế là không thể tránh khỏi, hàng loạt ngân hàng trung ương Châu Âu nói riêng và chính phủ toàn cầu nói chung đã nới lỏng chính sách tiền tệ, bơm nhiều gói kích thích tiền tệ và tài khóa vào nền kinh tế trong nỗ lực xoa dịu tác động của đại dịch.
Ngân hàng Châu Âu ECB mới đây nhất triển khai chương trình mua khẩn cấp trái phiếu trị giá khoảng 750 tỷ EUR (823 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế khu vực khi đại dịch chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Các chính phủ Anh, Đức, Pháp cũng tăng cường hàng loạt gói chi tiêu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Giờ đây, giới đầu tư sẽ chờ đợi xem liệu các biện pháp của chính phủ có mang lại hiệu quả mong muốn hay không, hoặc các ca nhiễm Covid-19 có dấu hiệu tăng chậm lại hay không, khi Châu Âu đã trở thành một trong những tâm chấn của đại dịch.
Charalambos Pissouros, nhà phân tích thị trường cao cấp của JFD Group cảnh báo các kích thích tài chính và tiền tệ tích cực từ chính phủ có thể không đủ để vực dậy tăng trưởng kinh tế toàn cầu nếu các quốc gia duy trì biện pháp phong tỏa kiểm dịch trong vài tháng tiếp theo.
Amit Lodha, giám đốc danh mục đầu tư cơ bản của Fidelity International Equality nhận định trong trung hạn và dài hạn, thị trường sẽ phục hồi nhanh chóng tương tự như những gì người ta đã chứng kiến năm 2009, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu đi qua. Nhưng Lodha đồng thời cảnh báo các chính phủ Châu Âu có thể phải chi khoảng 2-5% GDP cho các biện pháp kích thích tài khóa để tái thiết nền kinh tế trước khi chứng kiến các dấu hiệu phục hồi.