Thị trường điện cạnh tranh từ 1.7: Mừng ít, lo nhiều!

Thứ ba, ngày 28/06/2011 10:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là tâm trạng không chỉ của chủ đầu tư các nhà máy điện mà còn của chính người dân, những người được cho là sẽ thụ hưởng những lợi ích khi thị trường điện cạnh tranh chính thức vận hành thí điểm từ 1.7 tới đây.
Bình luận 0

Ông Hoàng Xuân Quốc-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 cho biết, rất lo khi các nhà máy điện hiện nay chưa có sự bình đẳng về nguyên liệu đầu vào.

Với các nhà máy điện chạy dầu và khí, giá nguyên liệu chiếm chi phí lớn nhất trong việc hình thành giá điện, song giá khí cung cấp cho các nhà máy tuabin khí của PVN hiện nay đang bị đắt hơn nhiều so với giá khí bán cho các nhà máy điện của EVN. Vậy thì việc "cạnh tranh bình đẳng" ở đây sẽ như thế nào khi chúng ta phát điện cạnh tranh? - ông Quốc đặt câu hỏi.

img
Việt Nam sẽ vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ 1.7.2011.

Ông Tạ Văn Hường-nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, chừng nào nguồn cung điện của chúng ta vẫn thấp hơn cầu thì chưa thể có sự cạnh tranh khách quan, bình đẳng.

Thực tế, hiện nay thủy điện vẫn chiếm trên dưới 40% trong cơ cấu phát điện, trong đó những dự án thủy điện lớn đều do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) nắm giữ, còn các công ty tư nhân chỉ làm các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Nếu vận hành thị trường điện cạnh tranh, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ sẽ không thể cạnh tranh với các dự án điện lớn của EVN mà chỉ có thể cạnh tranh với các dự án điện chạy than, chạy dầu diesel, tuarbin khí.

Giá điện, kể cả giá bán buôn và bán lẻ sau 1.7 sẽ vận hành như thế nào cũng là băn khoăn của các doanh nghiệp. Ông Vũ Xuân Cường - Phó Tổng giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại băn khoăn, chủ trương tăng giá bán điện hiện mới chỉ áp dụng cho giá bán lẻ, chứ chưa đề cập đến lĩnh vực bán buôn. “Chính phủ cho phép EVN được quyền tăng giá bán lẻ điện trong phạm vi 5% phụ thuộc vào yếu tố đầu vào theo giá thị trường, vậy chúng tôi là các nhà máy phát điện cho EVN thì có được tăng giá ở mức hợp lý không?”.

Theo TS Nguyễn Minh Phong -chuyên gia kinh tế thị trường phân phối điện, có thể vẫn do nhà nước điều hành để đảm bảo an ninh về điện cũng như tính chất phi lợi nhuận của nó. Còn thị trường phát điện cần phải có sự cạnh tranh trên cơ sở đa dạng hóa đầu tư các dạng nguồn điện cũng như của các thành phần tham gia (của tư nhân, của nước ngoài và của các loại hình khác nhau) để tạo ra sự va đập thị trường, từ đó mới có sự định giá chính xác.

Sau 1.7, chưa thể nói trước được triển vọng sẽ thế nào. Song, việc nhà nước, cơ quan quản lý vào cuộc tích cực trong thời gian qua để có được một thị trường phát điện cũng là một dấu hiệu tốt cho thấy nhận thức của nhà quản lý về vấn đề này có nhiều đổi mới và công tác tổ chức thực tế đã có những khởi động cần thiết. Cần phải đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn một cách minh bạch và đúng đắn về cơ chế cạnh tranh này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem