Thịt lợn vừa chững, giá gà công nghiệp lại tăng

03/12/2019 16:18 GMT+7
Sau một thời gian tăng đột ngột trên thị trường, hiện nay, giá lợn đã có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, giá gà công nghiệp bất ngờ tăng hơn gấp đôi, cao nhất trong 11 tháng qua.

Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay, tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, giá gà hơi lông trắng lên mức 42.000 đồng/kg, cao nhất trong 11 tháng qua.

Trước đó, giá loại gà này đã có một thời gian giữ ở mức trung bình từ 12.000 - 14.000 đồng/kg. Ngoài ra, giá gà thịt lông màu cũng đã tăng 30% so với giá bình quân của tháng 10.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá gà lông trắng công nghiệp xuất chuồng đã tăng rất mạnh, từ 24.000 đồng/kg lên 42.000-43.000 đồng/kg. Gà lông màu tăng từ 36.000-38.000 đồng/kg lên 56.000-65.000 đồng/kg.

Thịt lợn vừa chững, giá gà công nghiệp lại tăng - Ảnh 1.

Giá gà công nghiệp tăng mạnh nhưng sẽ chững lại và giữ ở mức hợp lý.

Theo nhận định của ông Đoán, với giá bán như hiện nay người nuôi gà đã có lãi cao. Gà trắng công nghiệp lãi gấp đôi ở mức khoảng 20.000-22.000 đồng/kg và gà lông màu với giá thành khoảng 40.000 đồng/kg, người nuôi lãi khoảng 15.000-16.000 đồng/kg.

Đánh giá về nguyên nhân khiến giá thịt gà tăng, ông Đoán tiết lộ, thời gian vừa qua, nguồn cung quá nhiều khiến giá gà bán rẻ. Hiện nay, người nuôi giảm, lượng tiêu thụ thịt ít, cộng thêm giá thịt lợn tăng cao nên giá thịt gà có cơ hội tăng mạnh.

"Tuy nhiên, chỉ mất hai tháng để nuôi gà xuất bán nên giá gà cũng không thể tăng cao hơn nữa, thậm chí sẽ nhanh chóng ổn định trở lại với mức giá hợp lý." ông Đoán nhận định.

Trong khi giá gà tại các tình phía Nam tăng "phi mã", tại miền Bắc, giá chỉ tăng nhẹ do thời gian vừa qua lượng gà xuất chuồng khu vực này không giảm nhiều.

Theo ông Hoàng Kim Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho hay, tại Hà Nội, sau khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi chuyển sang nuôi gà.

"Hiện nay, tổng đàn gà của Hà Nội khoảng 23,5 triệu con, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Việc tăng đàn này đã khiến một giai đoạn giá gà công nghiệp giảm thấp hơn khiến nông dân thua lỗ." Ông Vũ thông tin.

Mặc dù giá gà tại miền Bắc không có biến động lớn, tuy nhiên, giá bán tại hệ thống chợ truyền thống bắt đầu tăng. Tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như Thành Công, Kim Liên, Phùng Khoang cho thấy, giá bán thịt gà đã tăng nhẹ từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với 2 tháng trước.

Cụ thể, gà ta sống giá từ 130.000 - 140.000 đồng/kg, cánh gà công nghiệp 80.000 – 85.000 đồng/kg, đùi gà dao động 75.000 - 80.000 đồng/kg, ức gà 60.000 - 65.000 đồng.

Không chỉ tại chợ truyền thống, trong các siêu thị như Vinmart, Big C, Hapro cũng trong tình trạng tương tự. Hiện tại siêu thị Vinmart đùi gà PC 95.000 đồng/kg, cánh gà 87.000 đồng/kg, đùi gà tháo khớp 80.000 đồng/kg, chân gà công nghiệp 110.000 đồng/kg, má đùi gà công nghiệp PC 73.000 đồng/kg, Phi lê gà công nghiệp 82.000 đồng/kg...

Những diễn biến khó lường trên khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, đặt câu hỏi về nguồn cung thực phẩm có đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Canh Tý 2020 không?

Trước băn khoăn trên, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, gà công nghiệp là giống ngắn ngày, chỉ khoảng 1 - 2 tháng đã cho xuất chuồng nên không lo thiếu nguồn cung. Ngoài ra, một lượng lớn thịt gà nhập khẩu cũng đã được nhập về kho đông lạnh, trong 10 tháng qua, có trên 110.000 tấn thịt gà được nhập khẩu vào Việt Nam với giá chưa đến 20.000 đồng/kg.

"Như vậy, với các yếu tố như: Vòng sản xuất ngắn, tổng đàn lớn, số lượng thịt gà nhập khẩu cao... sẽ không lo nguồn cung thịt gà thiếu trong dịp cuối năm và Tết." bà Nga khẳng định.

Trước đó, người tiêu dùng không khỏi hoang mang về thông tin giá thịt lợn, có thời điểm lên tới trên dưới 200.000 đồng/kg. Hiện nay, giá lợn hơi xuất chuồng cũng chững lại ở mức giá 70.000-71.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, với giá thành hiện tại, mỗi con heo xuất chuồng (nặng 100 kg) người nuôi lãi tới 4 triệu đồng/con. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người chăn nuôi, trang trại không dám tái đàn do lo ngại diễn biến khó lường của dịch tả lợn châu Phi.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục