Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo thế giới về nguy cơ xảy ra một cuộc "Chiến tranh Lạnh"

Lê Phương (RT) Thứ năm, ngày 14/04/2022 09:36 AM (GMT+7)
Ankara cảnh báo rằng tình hình xung đột Nga - Ukraine hiện tại sẽ có hậu quả lâu dài và tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến Chiến tranh Lạnh.
Bình luận 0
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo thế giới về nguy cơ xảy ra một cuộc "Chiến tranh Lạnh" - Ảnh 1.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin. Ảnh: Sputniknews

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin cảnh báo xung đột ở Ukraine có thể dẫn đến "kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh mới" với hậu quả có thể kéo dài hàng thập kỷ. 

Đăng tải lên Twitter hôm 13/4, ông Ibrahim Kalin cho rằng "cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ tiếp tục trở nên mạnh mẽ hơn". Theo ông, việc tìm kiếm "một cán cân quyền lực mới", cùng với những "tính toán lợi - hại ngắn hạn", cũng như góc độ trung và dài hạn sẽ gây ra "những tổn thất lớn về mặt chiến lược và con người".

"Chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới của Chiến tranh lạnh. Ảnh hưởng của cuộc chiến này sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ", ông viết.

Ông Kalin là thư ký báo chí của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kể từ năm 2014.

Kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, Thổ Nhĩ Kỳ đã giữ quan điểm trung lập. Nước này thúc giục các cuộc đàm phán hòa bình, cảnh báo phương Tây không nên cô lập Nga và tìm cách làm trung gian hòa giải giữa Moscow và Kiev. Không giống như các thành viên khác của khối do Mỹ đứng đầu, Ankara từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và mở các kênh ngoại giao với cả hai bên.

Trong vài tuần qua, căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang gia tăng đáng kể, dẫn đến những lo ngại tiềm ẩn về một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới". Trong khi Mỹ và các đồng minh tiếp tục kêu gọi cô lập Nga để đáp trả các hành động của nước này ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin hôm 12/4 cho biết không quốc gia nào có thể duy trì sự thống trị hoàn toàn của mình hiện nay, vì thế giới đã trở nên phức tạp hơn nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước đây.

Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào 24/2, sau khi cho rằng Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết vào năm 2014. 

Kể từ đó, Nga yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Đáp lại, Kiev khẳng định chiến dịch của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố rằng họ đang có kế hoạch chiếm lại hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk bằng vũ lực. Bên cạnh đó, Phương Tây cũng lên án chiến dịch và không ngừng gia tăng áp lực trừng phạt đối với Moscow. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem