Thống đốc Lê Minh Hưng lý giải vì sao nợ xấu vẫn đang 'kẹt' ở các ngân hàng yếu kém?
Đề cập tại báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi tới các đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%.
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD qua các năm 2016 là 2,46%. Năm 2017 là 1,99%, năm 2018 là 1,91%, năm 2019 là 1,63%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2020 là 1,77%.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 1.076,95 nghìn tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2019 xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2020 xử lý được 26,94 nghìn tỷ đồng).
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD đến tháng 3/2020 ở mức 4,46%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% vào cuối năm 2018.
Thống đốc Lê Minh Hưng thông tin thêm, việc xử lý nợ xấu tại VAMC đạt được kết quả tích cực, đặc biệt từ khi triển khai Nghị quyết 42.
Lũy kế từ khi thành lập đến cuối tháng 3/2020, VAMC đã xử lý được số tiền là 272.246 tỷ đồng dư nợ gốc của TCTD (số tiền mua nợ của VAMC là 225.236 tỷ đồng), dư nợ gốc của TCTD còn lại phải xử lý là 95.160 tỷ đồng.
Trong tổng số dư nợ gốc của TCTD đã được xử lý, VAMC phối hợp với các TCTD thu hồi được số tiền là 152.685 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 91.381 tỷ đồng, bằng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến cuối tháng 3/2020.
Hiện nay, VAMC đang triển khai Đề án Cơ cấu lại và nâng cao năng lực VAMC giai đoạn 2017-2020 theo hướng tiếp tục duy trì vai trò của VAMC là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ.
Tuy nhiên, quá trình cơ cấu lại các TCTD còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của NHTM có vốn Nhà nước; Cơ chế, chính sách, sự phối hợp của các Bộ, ngành trong quá trình xử lý các TCTD yếu kém còn bất cập.
"Nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD. Nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các TCTD yếu kém, tuy nhiên chưa thể xử lý nhanh được do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của một số TCTD còn hạn chế", báo cáo gửi tới Quốc hội của NHNN đề cập.
Ngoài ra, kinh tế thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt tác động bất lợi từ dịch tả lợn Châu Phi, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mục tiêu về kiểm soát nợ xấu cũng như các mục tiêu khác đặt ra tại Đề án 1058, tiềm ẩn nợ xấu tăng.
Từ đó, NHNN kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao quá trình triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống các TCTD đặc biệt đối với các đề xuất của NHNN về phương án xử lý các TCTD yếu kém; xử lý vấn đề tăng vốn điều lệ của các ngân hàng có vốn nhà nước để có điều kiện chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn trong giai đoạn hiện nay...