Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc rất khó

Huyền Anh Thứ hai, ngày 06/11/2023 15:01 PM (GMT+7)
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc rất khó, chưa có tiền lệ, năng lực cán bộ còn hạn chế, cơ chế chính sách hỗ trợ cần sự giúp đỡ từ các cơ quan liên quan.
Bình luận 0

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mở đầu phần trả lời chất vấn trong phiên chiều ngày 6/11.

Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt liệu có như SCB?

Trước đó, tại phần phát biểu tranh luận cuối phiên chất vấn sáng nay (6/11), đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ lo ngại khi có 4 ngân hàng thương mại cổ phần đang trong vòng kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Hòa lo lắng "việc kiểm soát đặc biệt một số ngân hàng là điều rất nguy hiểm" và chất vấn Thống đốc rằng "liệu các ngân hàng này có xảy ra như vụ SCB nữa hay không, để khách hàng gửi tiền yên tâm".

Liên quan đến ngân hàng yếu kém, đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cũng bày tỏ quan tâm tới các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý các tổ chức tín dụng yếu, kém khi tiến độ xử lý các nhà băng này còn chậm.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thực sự là việc rất khó - Ảnh 1.

Các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt.

Đại biểu Ma Thị Thúy nêu rõ, thực hiện Nghị quyết 42, đến nay việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu, kém chưa đạt tiến độ đề ra. Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ việc xử lý các tổ chức tín dụng, qua đó đảm bảo an toàn hệ thống?

Bốn ngân hàng được kiểm soát đặc biệt khác là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank), cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.

Từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt.

Xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thực sự là một việc rất khó

Giải đáp phần tranh luận cũng như câu hỏi của các đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thực sự là một việc rất là khó, NHNN đã có báo cáo tới Quốc hội.

"Nếu ở điều kiện bình thường đã khó rồi nhưng trong cái bối cảnh mà nền kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid-19 cũng như là những biến động của kinh tế thế giới như thời gian qua thì việc thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém này lại càng khó hơn thế", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thực sự là việc rất khó - Ảnh 3.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: QH)

Cũng theo Thống đốc, việc xây dựng đề án khó, phức tạp và chưa có tiền lệ; trong khi năng lực, kinh nghiệm của cán bộ tham gia xây dựng đề án này còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia trên cơ sở tự nguyện cũng rất là khó khăn. Đồng thời, cơ chế chính sách, nguồn lực để hỗ trợ cho việc tái cơ cấu này cũng cần phải xin ý kiến các cơ quan liên quan để có một cái sự đồng thuận, thống nhất.

"Tuy nhiên, đối với các ngân hàng này thì chúng tôi cũng đã qua quá trình là xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về chủ trương và cũng đang trong quá trình thực hiện các bước theo cái kế hoạch này để trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẽ tổ chức thực hiện theo đúng cái đề án này", Thống đốc cho hay.

Liên quan đến các ngân hàng yếu kém, tại báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đánh giá: Tình hình tài chính của các ngân hàng này vẫn rất khó khăn, cụ thể là nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Kiểm toán nhà nước kiến nghị NHNN Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và DongABank.

Đối với các NHTM tiềm ẩn rủi ro mất an toàn, trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát, Thanh tra Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô, cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của ngân hàng để kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN đề ra các biện pháp giám sát, can thiệp phù hợp với các quy định của pháp luật, theo nguyên tắc không để thất thoát, mất tài sản của Nhà nước và nhân dân, không để mất an toàn, bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem