Thu ngân sách từ ô tô lắp ráp 'ì ạch' trong 8 tháng đầu năm

23/09/2024 18:51 GMT+7
Tại 3 địa phương có nguồn thu ngân sách từ ô tô chiếm tỷ trọng lớn trên tổng thu như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Nam tiến, độ thực hiện dự toán còn chậm.

Theo Tổng cục thuế, lũy kế 8 tháng năm 2024, có 25/63 địa phương có tỷ lệ thực hiện dự toán cao hơn so với tỷ lệ chung toàn ngành (đạt 77,2%); có 53/63 địa phương có số thu tăng so với cùng kỳ; có 10/63 địa phương có số thu đạt thấp so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, 3 địa phương có nguồn thu từ ô tô chiếm tỷ trọng lớn trên tổng thu như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Nam tiến độ thực hiện dự toán còn chậm (mới đạt dưới 65% dự toán).

Việc sụt giảm nguồn thu từ ô tô lắp ráp được thể hiện tại báo cáo bán hàng ngày 13/9 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Theo đó, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 8/2024 tăng 2% so với năm 2023. VAMA cho biết, doanh số tháng 8 tăng do đa số người tiêu dùng có niềm tin việc Chính phủ giảm lệ phí trước bạ và nỗ lực kích cầu của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 11%, trong khi xe nhập khẩu tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 8/2024, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 25.196 xe, tăng 12% so với cùng kỳ, nhưng giảm 13% so với Tháng 7/2024. Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 12.064 xe, giảm 13% so với tháng trước.

Các tỉnh  - Ảnh 1.

Nguồn thu từ ô tô lắp ráp còn "yếu ớt".

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong 8 tháng đầu năm 2024 kinh tế phục hồi thể hiện ở con số doanh nghiệp trở lại hoạt động tương đối tích cực. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước có nhiều nỗ lực, hoạt động có khởi sắc. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, 8 tháng năm 2024, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt 109.680, tăng 4.848 doanh nghiệp, tương ứng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 4 tháng cuối năm, ngành Thuế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế.

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế 8 tháng năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1.146.828 tỷ đồng, bằng 77,2% so với dự toán pháp lệnh, bằng 117,9% so với cùng kỳ thực hiện, nếu loại trừ chính sách thì tăng 10,2% so cùng kỳ.

Trong đó thu từ dầu thô ước đạt 39.364 tỷ đồng, bằng 85,6% so với dự toán, bằng 97,4% so với cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 1.107.464 tỷ đồng, bằng 76,9% so với dự toán, bằng 118,8% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố chính sách thì tăng 10,7% so với cùng kỳ. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 860.346 tỷ đồng, bằng 79,3% so với dự toán, nếu loại trừ yếu tố chính sách thì tăng 5,4% so với cùng kỳ thực hiện.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, thu ngân sách 8 tháng năm 2024 đạt khá chủ yếu do các khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận chênh lệch của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và khối các công ty xổ số, chênh lệch thu - chi của Ngân hàng Nhà nước và do chính sách gia hạn năm 2024 ban hành muộn so với cùng kỳ.

Kết quả thu ngân sách cho thấy kinh tế có dấu hiệu dần hồi phục, tuy nhiên theo Tổng cục Thuế, vẫn còn có những địa phương và khoản thu có tiến độ thực hiện dự toán thấp, tập trung tại những nguồn thu từ đất đai, sản xuất, lắp ráp ô tô, các công ty nhiệt điện than, thủy điện,...

Vũ Khoa
Cùng chuyên mục