Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Giải ngân vốn đầu tư công, phân cấp càng mạnh, giải ngân càng tốt

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 28/04/2023 12:55 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, đầu tư công là những công trình "không hối tiếc", chính vì thế phân cấp càng mạnh, giải ngân càng tốt và ngược lại
Bình luận 0

Phân cấp càng mạnh, giải ngân vốn đầu tư công càng tốt

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, năm 2023, Bộ NNPTNT được giao 9.852 tỷ đồng vốn đầu tư công (trong đó vốn trong nước 8.052 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỷ đồng) và 1.614 tỷ đồng đề nghị kéo dài từ năm 2022 sang 2023. 

Bộ NNPTNT đã phân bổ 98% kế hoạch vốn năm 2023 tại văn bản số 8946/BNN-KH ngày 30/12/2022 về việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023. Theo ước tính của Bộ NNPTNT, đến 30/4/2023, số tiền giải ngân đạt 2.273 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 23,1% (trong đó vốn trong nước 2.053 tỷ đồng đạt 25,5%; vốn nước ngoài 220 tỷ đồng đạt 12,2%). 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Giải ngân vốn đầu tư công, phân cấp càng mạnh, giải ngân càng tốt - Ảnh 1.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, dự án của Bộ NNPTNT thường ở vùng sâu, vùng xa, giải phóng mặt bằng khó khăn, phức tạp. Ảnh: P.V

Đánh giá về hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, không tính nguồn vốn cho các địa phương, thì cùng với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ NNPTNT đang thực hiện giải ngân từ 70-80% lượng vốn đầu tư trung hạn của cả nước. Trong những năm qua việc giải ngân của Bộ NNPTNT luôn nhanh chóng vì ở tất cả các dự án, Bộ linh động giao chủ đầu tư cho các ban quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm trực tiếp tại địa phương để triển khai, thực hiện.

"Điều này phải lý giải kỹ vì không phải Bộ NNPTNT giải ngân nhanh theo cách nhiều người hiểu là chỉ việc phân bổ vốn về địa phương là xong. Chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, kiểm tra giải ngân… đều là Bộ làm chứ không phải của địa phương. Vốn có thể được giao về các sở hoặc các Ban Quản lý dự án tại địa phương và Bộ vẫn là cơ quan phải chịu trách nhiệm về đầu tư. Theo luật thì các Ban Quản lý hoàn toàn có thẩm quyền quyết định công việc tại hiện trường nên công việc trôi được nhanh, chỉ những gì quá vướng mắc mới phải báo cáo lại để lãnh đạo Bộ trực tiếp giải quyết", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ.

Bộ NNPTNT không làm chủ đầu tư mà là chủ quản chủ đầu tư, tập trung thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra giám sát các công trình rất chặt chẽ trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. 

"Dự án của Bộ NNPTNT thường ở vùng sâu, vùng xa, giải phóng mặt bằng khó khăn, phức tạp. Ví dụ, làm một cái kênh mương nhỏ nhưng lại ảnh hưởng toàn bộ hệ thống kênh mương dài mấy trăm cây số, liên quan nhiều địa phương khác. Kể cả quy mô dự án cũng vậy, có những dự án chỉ khoảng 50 tỷ đồng nhưng có những dự án thủy lợi lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng… Vì thế tất cả đều phải nghiên cứu tỷ mỉ mới đầu tư. Bởi đầu tư công là những công trình "không hối tiếc". Chính vì thế phân cấp càng mạnh, giải ngân càng tốt và ngược lại", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Giải ngân vốn đầu tư công, phân cấp càng mạnh, giải ngân càng tốt - Ảnh 2.

Khu tái định cư của hồ Đồng Mít (Bình Định). Ảnh: P.V

Đề xuất tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của Cục Quản lý công trình (Bộ NNPTNT), quá trình giải ngân vốn đầu tư công của Bộ NNPTNT còn một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có 2 dự án có khối lượng lớn là dự án hồ Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình; hồ Bản Mồng, tỉnh Nghệ An tiếp tục còn khó khăn chưa được tháo gỡ. 

Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng tại một số dự án chưa hoàn thành trong khi thời gian chuẩn bị dự án không còn nhiều, nguy cơ các dự án này không thể khởi công trong năm 2023 và phải kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, về những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ KH&ĐT tập hợp đầy đủ, tuy nhiên, có mấy điều cần sửa đó là thẩm quyền phê duyệt dự án và quy trình, thủ tục về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.

"Ví dụ, chuyển đổi 20 ha đất lúa hay 1m2 đất rừng phòng hộ… cũng trình Thủ tướng phê duyệt là không cần thiết. Những nội dung này hoàn toàn có thể ủy quyền cho địa phương phê duyệt dự án", ông Hiệp nói.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, quy trình, thủ tục về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất…, là những vấn đề vướng nhiều nhất trong giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Hiệp nhấn mạnh: "Ba tháng gần đây, tốc độ phê duyệt của Chính phủ rất nhanh, tác động rất tốt gỡ khó đầu tư công nhưng chưa đủ. Vấn đề là quy hoạch địa phương, quy hoạch cấp dưới được phép điều chỉnh thì phải mạnh dạn điều chỉnh".

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ trong quản lý đầu tư công trung hạn 2021-2025 và năm 2023, Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm điều chỉnh dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình và hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An để Bộ NNPTNT có căn cứ triển khai thực hiện, giải ngân.

Với kinh nghiệm quản lý nhiều năm thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng đa số công việc "chỉ cần cán bộ làm đúng, hết trách nhiệm, đúng quy định là đã khác rồi" và đôi khi phải "dám nghĩ, dám làm, dám chịu".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Giải ngân vốn đầu tư công, phân cấp càng mạnh, giải ngân càng tốt - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân vùng lòng hồ Krông Pách Thượng (Đắk Lắk) vận chuyển tài sản di dời sang nơi ở mới. Ảnh: V.Giàu.

Lấy ví dụ về việc chặn dòng hồ Krông Pách Thượng (Đắk Lắk), một trong những công trình từng được Quốc hội đề nghị giám sát và Chính phủ phải có giải pháp ngay, dù triển khai xây dựng 14 năm nay (từ tháng 5/2009) nhưng hồ không chặn được dòng do phải di dời 500 hộ dân, lại chủ yếu là nguồn gốc đất không rõ ràng, việc đền bù khó khăn.

Để giải quyết dứt điểm, công trình hồ chứa nước Krông Pách Thượng đã được ký quyết định chặn dòng tích nước vào cuối tháng 3/2023. "Thời điểm chặn dòng tích nước ngày 20/3 vẫn còn khoảng 300 hộ dân chưa di dời thì sau 1 tháng, cơ bản các hộ đã tự nguyện chuyển đến nơi ở mới", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin.

"Trong giao ban của Bộ về xây dựng cơ bản, tôi vẫn nói cần làm nhanh nhưng không ẩu, không sai pháp luật. Yêu cầu làm đúng nhưng phải có thời hạn để giải quyết. Tất cả văn bản trả lời chung chung, tôi đều không ký. Các nội dung trình lên giải quyết và tham mưu phải rõ ràng là có hay không chứ không có chuyện trả lời chung chung", Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.

Sáng 27/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với 17 bộ, cơ quan Trung ương về tiến độ giao và giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương phải phối hợp chặt chẽ với nhau, làm việc sát với các địa phương để tháo gỡ từng dự án; chỉ rõ vướng mắc, đề xuất hướng ban hành những văn bản pháp lý theo cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành tập trung rà soát, tăng cường năng lực, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, quản lý công tác giải ngân vốn đầu tư công từ khâu chuẩn bị, quyết định đầu tư, nhất là cho những dự án lớn, quan trọng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ giải ngân từ nay đến cuối năm còn rất nặng nề. Chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, là tiêu chí đánh giá năng lực, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong chuẩn bị, thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án.

Bộ trưởng, thủ trưởng, tập thể lãnh đạo các đơn vị phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm, cá thể hoá trách nhiệm từ khâu đề xuất, thẩm định, tổ chức thực hiện dự án đến phối hợp giải quyết vướng mắc phát sinh, "không để tình trạng phân bổ vốn đầu tư công nhưng không giải ngân được hoặc không bảo đảm tiến độ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem