Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên thảo luận những nội dung quan trọng gì?

PVCT Thứ năm, ngày 15/04/2021 09:02 AM (GMT+7)
Sáng nay (15/4), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ triển khai công việc sau khi được kiện toàn nhân sự tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Đây là phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi nhân sự được kiện toàn.
Bình luận 0

Phiên họp thảo luận về công tác bàn giao nhiệm vụ sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự, quan điểm định hướng chỉ đạo và một số nội dung trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện ngay trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi nhân sự được kiện toàn - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ sau khi nhân sự được kiện toàn (ảnh VGP).

Ngay sau khi Chính phủ được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quán triệt và chỉ đạo các thành viên Chính phủ khẩn trương bàn giao, xử lý, giải quyết ngay công việc, bảo đảm liên tục, thông suốt; sớm kiện toàn cấp ủy, tổ chức Đảng và công tác nhân sự; rà soát, sửa đổi quy chế làm việc.

Theo chương trình làm việc của phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận về: Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tổng kết Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 138/2016/NĐ-CP; tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tiêm phòng vaccine Covid-19; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất năm 2021 và việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch Covid-19; tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Trước đó trong phát biểu nhậm chức (ngày 5/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh những nhiệm vụ Chính phủ cần thực hiện trong thời gian tới, đó là:

Xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường phân cấp, phân quyền, đồng thời xác định rõ trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân: đề cao tinh thân thượng tôn pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và toàn xã hội. Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào Nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng các cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Quản lý, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh phát triển; chủ động phòng chống và có giải pháp hiệu quả để khắc phục những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa vì hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên có trách nhiệm và có uy tín với cộng đồng quốc tế.

Xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện để phát triển văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo, coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, trong đó quan tâm, chú ý hơn đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, để mỗi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an toàn, văn minh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem