Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021, năm của những kỷ lục mới

K.Nguyên Thứ tư, ngày 29/12/2021 09:05 AM (GMT+7)
Hôm nay, 29/12, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Bình luận 0

Hôm nay, 29/12, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh năm 2021 ngành nông nghiệp trải qua nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng nhờ chủ động các giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả quan trọng, lập nhiều kỷ lục mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021, năm của những kỷ lục mới - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022. Ảnh: P.V

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, năm 2021, toàn ngành nông nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, những kết quả đạt được rất ấn tượng. 

Theo đó, năm 2021, giá trị gia tăng toàn ngành tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%.

"Đặc biệt, xuất khẩu nông lâm thủy sản lần đầu tiên lập kỷ lục, đạt 48,6 tỷ USD, ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều vượt mục tiêu đề ra, cả về sản lượng và giá trị" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Trên thực tế, năm 2021, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là  sự tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản... 

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021, năm của những kỷ lục mới - Ảnh 2.

Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 được tổ chức trong bối cảnh năm 2021 ngành nông nghiệp trải qua nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng nhờ chủ động các giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả quan trọng, lập nhiều kỷ lục mới. Ảnh: P.V

Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, từ việc chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, năm 2021, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu phát triển đã đạt và vượt kế hoạch để ra.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi hiệu quả hơn. Sản lượng đạt 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. 

Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021.

Diện tích cây ăn quả đạt 1,18 triệu ha, tăng 44.800 ha so với năm 2020; sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng; một số cây ăn quả chủ lực sản lượng tăng từ 5 - 19%.

Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt 6,69 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2020; sữa tươi đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%; trứng 17,5 tỷ quả, tăng 5,1%. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Thủy sản đẩy nhanh phát triển bền vững cả nuôi trồng và khai thác. Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8,73 triệu tấn, tăng 1,0% so với năm 2020; trong đó khai thác trên 3,9 triệu tấn tăng 0,9%, nuôi trồng 4,8 triệu tấn tăng 1,1%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021, năm của những kỷ lục mới - Ảnh 2.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, năm 2021, toàn ngành nông nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, những kết quả đạt được rất ấn tượng. Ảnh: P.V

Đáng chú ý, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành… với các giải pháp đồng bộ, đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP với mức tăng 2,85%, trên hầu hết các lĩnh vực.

Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 06 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su) .

Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới; nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. 

Năm 2021, thành lập mới 1.250 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 78 Liên hiệp HTX NN, 19.100 HTX NN; thành lập mới thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2022, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng VA toàn ngành 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 2,9 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 49 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.

Để đạt được những mục tiêu đề ra như trên, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. 

Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Giải quyết dứt điểm việc gỡ "Thẻ vàng" của EC đối với khai thác hải sản.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số... Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, sản xuất nguyên liệu đầu vào các ngành hàng nông nghiệp...



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem