Thủ tướng: Quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược, tư duy và tầm nhìn mới

An Linh Thứ năm, ngày 20/04/2023 11:32 AM (GMT+7)
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 vừa được tổ chức tại Hà Nội, Chính phủ nhấn mạnh bản quy hoạch mang tính chiến lược, thể hiện "tư duy mới - tầm nhìn mới - cơ hội mới - giá trị mới".
Bình luận 0

Kiên định mục tiêu năm 2050 Việt Nam là nước phát triển

Sáng 20/4 tại Hà Nội, Bộ KH&ĐT tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG). Tại hội nghị, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã công bố bản Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cả nước chia làm 6 vùng kinh tế - xã hội đồng thời phát triển 4 vùng động lực quốc gia.

Về mục tiêu phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 81/NQ-QH đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững; hình thành các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại.

Thủ tướng: Quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược, tư duy và tầm nhìn mới - Ảnh 1.

Thủ tướng dự Hội nghị về công bố, triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia (Ảnh VGP).

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh.

Phát triển các vùng hài hoà, bền vững. Giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn, phát huy. Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng cac-bon thấp; phấn đấu nhanh nhất đạt mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về "0" vào năm 2050. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2031 - 2050 đạt khoảng 6,5 - 7,5%/năm.

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh việc làm quy hoạch đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Thủ tướng đã dẫn lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương đảng khóa XIII: "Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt QHTTQG thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung ương coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh QHTTQG lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, là quy hoạch vừa mang tính vật thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và được lập cho 10 năm và là quy hoạch thể hiện "tư duy mới - tầm nhìn mới - cơ hội mới - giá trị mới".

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, quy hoạch tổng thể quốc gia là căn cứ để lập nhiều loại quy hoạch, trong đó có quy hoạch không gian biển, sử dụng đất, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương.

Thủ tướng: Quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược, tư duy và tầm nhìn mới - Ảnh 2.

Người đứng đầu Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Với bản quy hoạch tổng thể quốc gia được ban hành, Thủ tướng cho rằng đây là cơ sở để đẩy nhanh việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng. Ông yêu cầu dựa vào quy hoạch này, các Bộ, ngành và địa phương sẽ loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở phát triển, gây khó khăn cho việc huy động các nguồn lực của doanh nghiệp và người dân, phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển của cả đất nước, của từng vùng và từng địa phương với tầm nhìn dài hạn, tổng thể.

Loại bỏ quy hoạch cũ, chồng chéo, cản trở phát triển

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó yêu cầu rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của QHTTQG vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh đã phê duyệt hoặc đang thẩm định, đang lập, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện QHTTQG của Chính phủ để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương và cơ quan đơn vị.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, để quy hoạch đi vào đời sống, cần ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả QHTTQG, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư.

Thủ tướng: Quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược, tư duy và tầm nhìn mới - Ảnh 3.

Thủ tướng nhấn nút khai trương trung tâm dữ liệu quy hoạch quốc gia

Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng nhiều cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở trung ương và địa phương; cơ chế, chính sách phát triển các vùng động lực, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên; cơ chế, chính sách ưu đãi, đầu tư và khai thác có hiệu quả các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo các ngành ưu tiên; hoàn thiện chính sách thu ngân sách nhà nước đối với đất đai, tài sản, tài nguyên; cơ chế khai thác nguồn lực từ đất đai cho phát triển…

Đối với thu hút đầu tư phát triển, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.

"Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của QHTTQG là nhiệm vụ rất nặng nề. Chính phủ mong nhận được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cũng như sự quan tâm, đồng hành của các đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân", người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc làm quy hoạch đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của QHTTQG là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem