Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu tự cân đối thu chi ngân sách vào năm 2025
HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo nội dung bản quy hoạch, Thừa Thiên Huế phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh trong mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa đô thị - nông thôn - thiên nhiên, thúc đẩy liên kết vùng; được trải rộng và gắn với các công trình văn hóa di sản như: Làng cổ Phước Tích, phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, núi Bạch Mã, Hải Vân Quan...
Mô hình đô thị trực thuộc Trung ương được xác định là tập hợp đô thị di sản văn hóa và cảnh quan, trong đó đô thị Huế (quận phía Bắc, quận phía Nam sông Hương) là đô thị hạt nhân và các đô thị Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Chân Mây… có vai trò hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và các di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.
Thừa Thiên Huế đề xuất mô hình thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương đến năm 2025 với 9 đơn vị hành chính gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Đến năm 2030, là thành phố trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị hành chính, gồm 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện, trong đó đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và phần mở rộng đến thị trấn Phú Lộc, các xã ven biển huyện Phú Lộc) đạt tiêu chí đô thị loại 3.
Tầm nhìn năm 2050, mô hình thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có 10 đơn vị hành chính, gồm 4 quận, 1 thành phố (thành phố Chân Mây), 3 thị xã, 2 huyện. Thành phố Chân Mây sẽ được tập trung xây dựng trở thành đô thị mới, động lực phát triển kinh tế - xã hội sau 2030.
Hiện nay, trong lộ trình phát triển, quy mô kinh tế Thừa Thiên Huế qua các có sự tăng trưởng đáng ghi nhận. Nếu như năm 2020 quy mô kinh tế của tỉnh đạt 55.000 tỷ đồng thì năm 2022 đạt 66.400 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 8,56% (cả nước 8,02%).
Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2025 GRDP đạt 3.500 USD. Thời điểm này tỉnh tự cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/người, xấp xỉ mức bình quân cả nước…