Thừa Thiên Huế quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025

15/08/2023 13:10 GMT+7
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu vừa ký ban hành chỉ thị về việc quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu vừa ký ban hành Chỉ thị số 42-CT/TU về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.

Thừa Thiên Huế quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 - Ảnh 1.

Thành phố Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Hòe.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do tác động của thiên tai, dịch bệnh; triển khai quyết liệt, trách nhiệm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo thế và lực mới trong tiến trình xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ông Lê Trường Lưu yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân toàn tỉnh phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá XII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.

Ông Lê Trường Lưu yêu cầu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động, nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chủ trương, đường lối xây dựng, phát triển tỉnh, xác định nhiệm vụ xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển toàn diện tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn tiếp theo.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và nhân dân đồng thuận, chung sức, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ, nhóm giải pháp đột phá chiến lược của tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu; các chương trình, đề án trọng điểm; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023, tạo tiền đề để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ.

Triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung nguồn lực, quyết tâm đưa huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia trong năm 2024.

Tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Khẩn trương xây dựng hoàn thành, bảo đảm chất lượng, tiến độ các quy hoạch, đề án đã được đề ra, trọng tâm là: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương; Đề án phân loại đô thị loại 4 đối với đô thị Phong Điền; Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065. Đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 - Ảnh 2.

Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025. Ảnh: Thái Hùng.

Tập trung chỉnh trang đô thị, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - sáng - không rác thải, tăng cường trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường, công viên, tạo điểm nhấn, ấn tượng tốt đẹp đối với mọi người dân, du khách. Toàn hệ thống chính trị, toàn dân nêu cao ý thức, trách nhiệm, tích cực triển khai sâu rộng, thiết thực, lan tỏa mạnh mẽ phong trào "Ngày chủ nhật Xanh", "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"..., tạo khí thế mới, động lực mới, sẵn sàng tâm thế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Triển khai có hiệu quả Đề án Truyền thông, quảng bá tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025. Khơi dậy khát vọng phát triển, lan tỏa và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa Huế, con người Huế trong mỗi người dân. Khai thác tiềm năng, thế mạnh về di sản, văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Huế xứng tầm là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn của Việt Nam và thế giới. Tiếp tục củng cố, phát huy vị thế, uy tín, giữ vững thương hiệu trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng của khu vực và cả nước. 

Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo niềm tin, sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, đề án, dự án trên địa bàn tỉnh. Phát huy trí tuệ, năng lực, trách nhiệm và gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Mỗi một cán bộ, công chức cần đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực đóng góp tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 7,3%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 của tỉnh ước đạt gần 2.700 USD, tăng gần 1,2 lần so với năm 2020.

Thu ngân sách tăng bình quân 12,5%/năm, năm 2023 ước đạt 13.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng bình quân 13,6%/năm. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn 3 năm ước đạt ước đạt trên 84.000 tỷ đồng, tăng bình quân 8,3%/năm. Toàn tỉnh có 67/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 71,3%...

6 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,51% so với cùng kỳ, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố. Du lịch- dịch vụ từng bước tăng trưởng mạnh trở lại, tổng thu từ du lịch ước đạt 3.600 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện; các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững...  được triển khai quyết liệt và bước đầu đạt kết quả.  

Các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ đạt nhiều kết quả quan trọng. Cải cách hành chính, chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu cả nước... 


Trần Hòe
Cùng chuyên mục