Thụy Điển và Phần Lan sẽ mang lại ưu thế gì cho NATO ở phía bắc?

Lê Phương (AP) Chủ nhật, ngày 21/08/2022 15:02 PM (GMT+7)
Việc NATO bổ sung thêm Phần Lan và Thụy Điển sẽ mang lại lợi thế quân sự và lãnh thổ cho liên minh phòng thủ phương Tây, đặc biệt là ở khu vực phía bắc.
Bình luận 0
Thụy Điển và Phần Lan sẽ mang lại ưu thế gì cho NATO ở phía bắc? - Ảnh 1.

Kết nạp thêm Thụy Điển và Phần Lan sẽ bổ sung thêm đáng kể cho lực lượng NATO. Ảnh: Getty

Khác với việc NATO kết nạp các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập sẽ mang lại ưu thế lớn cho liên minh. Cả hai quốc gia bắc Âu đều nằm tại một trong những chiến tuyến của châu Âu và tiếp giáp với Nga.

Phần Lan có những chiến binh sử dụng thành thạo giày trượt tuyết và ván trượt tuyết, kỹ thuật ngụy trang trong rừng và tuyết chuyên nghiệp, cũng như tuần lộc vận chuyển vũ khí.

Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tháng 2, cùng với lời nhắc nhở cụ thể của ông về kho vũ khí hạt nhân của Điện Kremlin và việc ông lặp đi lặp lại các mục tiêu lãnh thổ rộng lớn bắt nguồn từ thời Liên Xô, đã thúc đẩy các quốc gia NATO hiện tại tăng cường khả năng phòng thủ tập thể và kết nạp thêm thành viên mới.

Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ các chính sách dài hạn của quốc gia về việc không liên kết quân sự. Họ đã nộp đơn xin gia nhập NATO và tham gia với 30 quốc gia thành viên khác trong một hiệp ước phòng thủ lẫn nhau mạnh mẽ, quy định rằng một cuộc tấn công vào một thành viên là một cuộc tấn công vào tất cả.

Ông Putin lập luận rằng chiến dịch của mình vào Ukraine là do động thái mở rộng của phương Tây. Một NATO bao gồm Phần Lan và Thụy Điển sẽ là lời thách thức cuối cùng đối với kế hoạch của Tổng thống Nga, trao quyền cho liên minh phòng thủ tại một khu vực quan trọng chiến lược, bao quanh Nga ở Biển Baltic và Bắc Băng Dương, đồng thời tập hợp NATO sát biên giới phía Tây của Nga.

"Tôi đã dành 4 năm, nhiệm kỳ của mình, cố gắng thuyết phục Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO", cựu tổng thư ký NATO Lord George Robertson cho biết vào mùa hè này. "Tổng thống Vladimir Putin đã làm được điều đó trong bốn tuần".

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cổ vũ tư cách ứng cử viên của hai nước.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong những năm gần đây liên minh đã "tái vũ trang ở phía bắc, với vũ khí hạt nhân tiên tiến, tên lửa siêu thanh và nhiều căn cứ". Ông nói: "Các mối đe dọa từ Nga đã khiến NATO phải tăng cường sự hiện diện của mình ở phía bắc".

Phần Lan và Thụy Điển sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải không có thách thức.

Cả hai nước đều thu hẹp quân đội, cắt giảm ngân sách quốc phòng và đóng cửa các căn cứ sau khi Liên Xô sụp đổ. Chỉ 5 năm trước, toàn bộ lực lượng phòng thủ quốc gia Thụy Điển có khi chỉ đứng vừa một trong những sân vận động bóng đá của Stockholm, một nhà phê bình lưu ý.

Sau khi chứng kiến sức mạnh của Nga, Thụy Điển đã khôi phục lệnh nhập ngũ và xây dựng lại quân đội của mình. Thụy Điển có một lực lượng hải quân và không quân công nghệ cao. Giống như Phần Lan, Thụy Điển có nền công nghiệp quốc phòng tự lực được đánh giá cao: Họ là một trong những quốc gia nhỏ nhất trên thế giới tự chế tạo máy bay chiến đấu.

Lực lượng phòng thủ của Phần Lan, trong khi đó, là một huyền thoại.

Vào năm 1939 và 1940, các lực lượng Phần Lan đã chiến đấu một mình trong Chiến tranh Mùa đông. Trong suốt một mùa đông lạnh giá đặc biệt, các chiến binh Phần Lan, đôi khi khoác trên mình tấm khăn trải giường màu trắng để ngụy trang, di chuyển bằng giày trượt tuyết và ván trượt tuyết, đã đối đầu thành công với Liên Xô.

Iskander Rehman, một thành viên tại Trung tâm các vấn đề toàn cầu của Johns Hopkins, kể lại rằng lực lượng Phần Lan đã tiêu diệt tới 200.000 quân đối phương, so với ước tính khoảng 25.000 người Phần Lan thiệt mạng.

Theo Hiến pháp của Phần Lan, việc tập hợp bảo vệ tổ quốc trở thành nghĩa vụ của mọi công dân. Phần Lan cho biết họ có thể tập hợp một lực lượng chiến đấu 280.000 người, được xây dựng dựa trên lực lượng hầu hết nam giới và một lực lượng dự bị lớn, được đào tạo bài bản, trang bị pháo binh, máy bay chiến đấu và xe tăng hiện đại, phần lớn là của Mỹ.

Mỹ và NATO có khả năng tăng cường sự hiện diện của họ xung quanh Baltic cũng như Bắc Cực với sự gia nhập của hai quốc gia bắc Âu.

Zachary Selden, cựu giám đốc của Hội đồng Nghị viện NATO, cho biết: "Hãy nhìn vào bản đồ, nếu bạn thêm Phần Lan và Thụy Điển, về cơ bản bạn biến toàn bộ Biển Baltic thành một khu vực của NATO". 

Tương tự như vậy, Nga sẽ trở thành thành viên không thuộc NATO duy nhất trong số các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ Bắc Cực và là thành viên không thuộc NATO duy nhất của Hội đồng Đại Tây Dương, một diễn đàn quốc tế gồm 8 thành viên được tạo ra cho các vấn đề Bắc Cực.

Các nhà phân tích nhận định, Nga coi sự hiện diện quân sự của mình ở Bắc Cực là quan trọng đối với chiến lược châu Âu, bao gồm các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo giúp nước này có khả năng đối đầu với bất kỳ cuộc xung đột nào từ NATO.

Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn nhiều do biến đổi khí hậu, mở ra sự cạnh tranh về các nguồn tài nguyên và tuyến đường vận chuyển hàng hóa.

Chuyên gia Sherri Goodman thuộc Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách An ninh môi trường cho biết Nga đã và đang xây dựng hạm đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhằm hộ tống lưu lượng hàng hóa thương mại dự kiến trong tương lai qua Bắc Cực. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem