Tiến độ nâng cấp sửa chữa đường băng sân bay Nội Bài được rút ngắn 8 tháng
Sau hơn 20 ngày khởi công từ đầu tháng 7 đến nay, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài đã cơ bản đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu. Để đảm bảo khai thác, vận hành bay trong thời gian đóng cửa thi công nút đường lăn S7.
Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt thiết kế bảo vệ thi công và phương án tổ chức thi công, công tác đảm bảo an ninh, an toàn, phóng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và phương án vận hành tàu bay hạng mục đường lăn phục vụ khai thác trong quá trình thi công (đường lăn S7B) thuộc dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Theo đó, hạng mục đường lăn S7B có chiều dài 262,97m, được chia thành 3 khu vực với tổng thời gian thi công là 48 ngày. Giai đoạn 1 đóng cửa đường cất hạ cánh 11L/29R (đường băng 1A) từ ngày 1-26/7/2020, thi công khoảng 140m chiều dài; giai đoạn 2 từ ngày 27/7-17/8/2020, đưa vào khai thác trở lại đường cất hạ cánh 11L/29R (đường băng 1A) và đường lăn S7, đóng cửa đường cất hạ cánh 11R/29L (đường băng 1B).
Dự kiến, đến cuối tháng 7/2020, các đơn vị sẽ triển khai thi công đồng thời các hạng mục còn lại của đường lăn S7B (giai đoạn 2) kết hợp sửa chữa, nâng cấp đường cất hạ cánh 11R/29L (đường băng 1B) đoạn từ đường lăn S2 đến S7 với chiều dài khoảng 3.200m và hệ thống đường công vụ phục vụ thi công.
Thông tin về công tác nâng cấp sửa chữa đường lăn sân bay Nội Bài, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (cơ quan đại diện thay Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư tổ chức quản lý dự án) chỉ ra khó khăn của việc vừa thi công vừa đảm bảo khai thác bay (tần suất và lưu lượng bay của các hãng hàng không đã cao hơn so với năm 2019) nên các đơn vị cần phải cân đối kỹ việc cho bay và thời gian triển khai thi công tính từng giờ, từng phút là bài toán rất phức tạp.
"Các đơn vị liên quan đã họp và đưa ra biện pháp thi công của liên danh nhà thầu rất chặt chẽ, mỗi một hạng mục thi công phải trình lên Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt kỹ càng do liên quan đến an toàn bay," ông Roãn khẳng định.
Ông Roãn cho rằng, tiêu chuẩn thi công đường băng khác biệt và cao hơn nhiều so với đường bộ bởi chiều dày bê tông cốt thép trung bình dày 38cm, độ sụt bê tông bằng 0 và phải bằng phẳng, bê tông cũng chịu được cường độ áp lực bánh xe xuống nền lớn (khoảng 350MPa) nên không được đổ vào thời điểm nhiệt độ cao (dưới 30 độ C),...
Hiện nhà thầu tập trung nhân lực chia ca, kíp 24/24 giờ và máy móc để thi công đập những tấm bê tông bị vỡ, kiểm tra cốt nền dưới đường băng nếu sình lún xử lý. Trong trường hợp nền tốt, nhà thầu sẽ bù bê tông cho đồng nhất và tăng cường mặt trên để chịu lực tốt hơn.
Đáng chú ý, ông Roãn cho biết, so với phương án trước kia của phía Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đưa ra, thời gian sửa chữa đường băng Nội Bài là 28 tháng. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án Thăng Long tính toán sơ bộ phương án thi công mới này sẽ rút ngắn so với trước đây 8 tháng (20 tháng) và thậm chí còn rút ngắn hơn nếu như điều kiện thuận lợi.
Đội ngũ sửa chữa đường lăn đặt mục tiêu, tiến độ sửa chữa dự án trọng điểm này thì đường băng 1B sẽ hoàn thành việc sửa chữa, cải tạo nâng cấp để đáp ứng cho kế hoạch khai thác cao điểm Tết. Sau đó, các đơn vị mới quay sang sửa chữa đường băng 1A, đảo bảo kế hoạch xong trước Tết Nguyên đán 2022 như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Về chất lượng công trình, ông Roãn cho hay, khi sửa chữa xong, 'tuổi thọ' đường băng ít nhất 20 năm và nhiều năm nữa sẽ không phải lo nghĩ nhiều về công tác bảo đảm đường cất hạ cánh.
Theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, cần phải cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường cất hạ cánh, đường lăn tại sân bay Nội Bài. Tình trạng xuống cấp kết cấu mặt đường băng như hiện nay nếu không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời có thể phải dừng khai thác hoạt động bay, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế, chính trị tại sân bay cửa ngõ lớn của đất nước, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước cũng như gây mất an toàn, an ninh hoạt động Hàng không.
Ngoài ra, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu tại sân bay Nội Bài không đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm đối với sân bay Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với sân bay Tân Sơn Nhất. Do vậy, việc phải đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hết sức cấp bách.