Tiền "rót" mạnh vào bất động sản, chứng khoán
Năm 2024, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Kết quả điều hành thực tế cho thấy, trong những tháng đầu năm 2024, mặc dù thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các TCTD hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế nhưng tín dụng vẫn gặp khó khăn.
2 tháng đầu năm tín dụng toàn hệ thống vẫn giảm so với cuối năm 2023. Cụ thể, đến 31/01/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13.479.677 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,10%). Đến 29/02/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13.472.474 tỷ đồng, giảm 0,72% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,87%).
Tuy nhiên, dư nợ tín dụng nền kinh tế đến 10/5/2024, tăng 1,95% so với 31/12/2023, theo xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Với thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các TCTD hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 3/2024, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 2,11% so với cuối năm 2023, chiếm 21,42% tổng dư nợ toàn hệ thống; Tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 10,65% so với cuối năm 2023 và chiếm 0,87%.
Trong khi đó, toàn hệ thống có 35 TCTD đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tổng số dư là 168,443 nghìn tỷ đồng, giảm 12,05% so với cuối năm 2023, chiếm 1,22% tổng dư nợ tín dụng, thấp hơn mức 1,41% tại thời điểm cuối năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới cơ quan này giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; bảo đảm cung ứng vốn để thị trường chứng khoán, bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó có một số lĩnh vực kinh doanh BĐS có tính chất đầu cơ, phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung…, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ), bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng , Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động, cụ thể:
Giám sát thường xuyên, liên tục đối với tình hình hoạt động các đơn vị trong hệ thống và xây dựng các báo cáo giám sát an toàn vĩ mô, vi mô theo định kỳ đối với các đối tượng và nhóm đối tượng giám sát; giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp,…) qua hệ thống báo cáo thống kê và từ các nguồn thông tin khác. Trên cơ sở kết quả giám sát, ban hành các văn bản cảnh báo, khuyến nghị đối với các vấn đề cần quan tâm.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.
Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung/BĐS không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD, cho vay chéo..., đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp "nội bộ" có nguy cơ rủi ro lớn.