Tiếp cận đơn hàng nhỏ và khó, Vinatex (VGT) báo lãi 377 tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch năm
Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex; UPCoM: VGT) cho biết, ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng vừa trải qua năm 2023 với nhiều khó khăn: bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm; nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, EU… suy giảm mạnh trong năm 2023 do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may.
Cụ thể, với tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có xu thế giảm mạnh, bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá để lấy được đơn hàng. Lúc này, các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, lương tối thiểu sẽ có trọng số lớn trong cạnh tranh ở các quốc gia.
Để duy trì đơn hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Hiếu chia sẻ, các doanh nghiệp phải tiếp cận đơn hàng rất nhỏ, kỹ thuật khó, ít lặp lại, thời gian giao hàng ngắn, chấp nhận hy sinh về năng suất và phương thức tổ chức sản xuất so với trước đây khi sản xuất các mã hàng lớn có năng suất cao đã tạo đà cho Vinatex đạt các kế hoạch về sản xuất kinh doanh.
Kết quả, năm 2023, Vinatex có doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỷ đồng, vượt 4,4% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, vượt 1,9% so với kế hoạch.
Đáng chú ý, ông Hiếu cho biết, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên nỗ lực đảm bảo việc làm và thu nhập cho gần 62.000 người lao động cấp 1 thông qua việc giảm lợi nhuận để duy trì lực lượng lao động với thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng, đạt 96% so với năm 2022, nhưng số giờ làm giảm xuống 15% (cao hơn 11% so với mức lương bình quân người lao động cả nước nhận được năm 2023 (khoảng 8,5 triệu đồng/người).
Dự báo thị trường dệt may 'ấm dần' từ quý II/2024
Nhận định thêm về thị trường năm 2024, ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT kiêm người phát ngôn Vinatex cho biết, ngay đầu năm 2024, nền kinh tế đã đón nhận tin không vui khi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công các tàu trở hàng đi qua khu vực Biển Đỏ. Tuyến vận chuyển đi qua Biển Đỏ đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế thế giới bởi đây là tuyến thương mại lớn kết nối châu Á với châu Âu và Mỹ. 30% việc đi lại của các tàu container toàn cầu đi qua khu vực này và bất kỳ mối đe dọa đáng kể nào tới sự an toàn này đều có thể gây ra những hậu quả dây chuyền. 7 trong số 10 công ty vận chuyển lớn nhất thế giới, trong đó có BP và công ty Hapag-Lloyd của Đức đã dừng việc sử dụng Kênh đào Suez và Biển Đỏ do cuộc khủng hoảng trên.
"Điều này sẽ làm giá cước vận tải tăng cao và thời gian giao hàng bị kéo dài gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc giao thương của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, thị trường quý 1/2024 dự báo vẫn chưa tốt hơn so với quý IV/2023, khả năng từ quý II/2024 thị trường sẽ ấm dần lên" – ông Vương Đức Anh nhận định.
Năm 2024, các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một thuận lợi cho các đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam. Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn 2023.
Dù vậy, lãnh đạo Tập đoàn cho hay, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng có những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ 01/7/2024, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trên 7% năm 2023…