[Biz Insider] Nutri Soil - Từ trái ca cao đến đưa mắc ca ra thế giới

08/01/2024 15:29 GMT+7
Công ty CP XNK Nutri Soil là doanh nghiệp vừa tổ chức lễ xuất khẩu container mắc ca chính ngạch đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc. Đây là thị trường xuất khẩu chính ngạch thứ hai của Việt Nam sau thị trường Nhật Bản.

Sáng ngày 03/01/2024, tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nutrisol đã tổ chức lễ “Xuất khẩu container macca Đắk Lắk chính ngạch đầu tiên vào thị trường Hàn Quốc”. Đây cũng là lô hàng nông sản xuất khẩu đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk trong năm 2024. Lô hàng gồm hơn 67 thùng sản phẩm, tổng trọng lượng trên 10 tấn.

Sản phẩm đã trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách đóng gói và truy xuất nguồn gốc. Dự kiến số sản phẩm này sẽ được bán tại các chuỗi siêu thị lớn tại Hàn Quốc.

Được biết, đơn vị nhập hàng phía Hàn Quốc là một doanh nghiệp tại tỉnh Jeollabuk. Trước đó, tỉnh Jeollabuk đã ký kết, thiết lập quan hệ hợp tác, luân phiên trao đổi, hoạt động hợp tác được triển khai đa ngành, đa lĩnh vực với Đắk Lắk từ tháng 12/2017 tới nay.

Đây là lô mắc ca xuất khẩu chính ngạch lần thứ 2 (sau lô mắc ca của CTCP Damaca Nguyên Phương xuất vào thị trường Nhật Bản năm 2022) của tỉnh Đắk Lắk. Giới chuyên môn kỳ vọng hạt mắc ca tiếp tục được xuất chính ngạch vào thị trường khó tính sẽ mở ra cơ hội cho loạt hạt được mệnh danh là 'nữ hoàng quả khô' sang các nước châu Á và thế giới.

Nutri Soil - Từ trái ca cao đến đưa mắc ca ra thế giới

Thông tin tại website www.nutrisoil.vn cho thấy, Công ty CP XNK Nutri Soil (Nutri Soil) được thành lập vào tháng 7/2017 có địa chỉ chính tại 86A Trục Lộ 1, Buôn Ky, P. Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Nutri Soil chuyên kinh doanh các sản phẩm hoàn toàn thiên nhiên và nguyên chất 100% như Cacao, sản phẩm từ trái nhàu, cà phê,atiso.. Sản phẩm đầu tay của Nutri Soil là bột ca cao nguyên chất 3 trong 1 mang nhãn hiệu Nutri Soil.

Hiện, các ngành kinh doanh chính của công ty bao gồm: Sản xuất các sản phẩm từ ca cao; phân phối các sản phẩm Đông Trùng Hạ Thảo, cao Atiso; phân phối những sản phẩm từ trái nhàu – noni.

Dữ liệu cho thấy, người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc của Nutri Soil là bà Lê Thị Trang (SN 1992 tại tỉnh Đắk Nông). Theo chia sẻ tại website, sau khi làm việc ở Trung tâm Viễn thông VNPT Cư Jút, bà Trang chuyển sang Công ty CP Quốc tế Silent Night (TP. Buôn Ma Thuột).

[Biz Insider] Nutri Soil - Từ trái ca cao đến đưa mắc ca ra thế giới- Ảnh 1.

Bà Lê Thị Trang - Người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc của Nutri Soil. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Nhận thấy tiềm năng nông sản vùng Tây Nguyên lớn, năm 2016, bà Trang quyết định nghỉ việc, cùng hai người bạn khởi nghiệp từ trái ca cao với mục tiêu muốn xây dựng, hình thành một sản phẩm ca cao đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.

Bà Trang đã tìm tòi quy trình trồng và chăm sóc, xin vào các nhà máy chế biến tham quan, học hỏi quy trình sản xuất… Dù gặp khó khăn khi hai người bạn cùng khởi nghiệp từ bỏ dự án nhưng bà Trang vẫn quyết tâm tìm đến các công ty tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập công ty.

Sau khi có công thức thành công, bà Trang trở lại nhà máy chế biến ca cao ở Đồng Nai để sản xuất sản phẩm theo công thức của riêng mình và thành lập Công ty CP XNK Nutri Soil.

Dữ liệu của Etime cho thấy, ở thời điểm thành lập, Nutri Soil có vốn điều lệ 3 tỷ đồng với 3 cổ đông cá nhân. Trong đó bà Lê Thị Kiều Hạnh góp 34%, ông Hồ Văn Hòa góp 34% và bà Lê Thị Trang góp 32% vốn điều lệ.

Số liệu thống kê cập nhật ngày 6/1/2024 tại Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có 18.840 ha trồng mắc ca với sản lượng lên đến 6.600 tấn/năm. Trong đó, Đắk Lắk được đánh giá là địa phương có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với sự phát triển của cây mắc ca. Trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 4.500 ha trồng mắc ca, sản lượng đạt hơn 1.500 tấn/năm.

Ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 344/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu cụ thể là sản lượng mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn hạt vào năm 2030 và khoảng 500.000 tấn hạt vào năm 2050. Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Mắc ca đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050, trong đó tỷ lệ sản phẩm Mắc ca nguyên vỏ không vượt quá 40%.

Về giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, quyết định nêu rõ, đối với thị trường trong nước, các địa phương cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm Mắc ca.

Còn đối với thị trường xuất khẩu, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại. Tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt Mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm Mắc ca chế biến sâu vào thị trường các nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực đề án, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện đề án có hiệu quả; giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm Mắc ca Việt Nam.


Khánh Ly
Cùng chuyên mục