Tiếp vốn ưu đãi giúp nông dân thủ đô đầu tư chăn nuôi, trồng trọt vươn lên khá giả

Thu Hà Thứ tư, ngày 03/02/2021 10:34 AM (GMT+7)
Được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tiếp sức kịp thời, nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP Hà Nội đã vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Đặc biệt, từ những mô hình nhỏ, nhiều hộ dần mở rộng sản xuất quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Vốn là một trong những hộ nghèo của xã, bà Nguyễn Thị Lanh (ở thôn Phụng Công, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) cho biết: Những năm trước, gia đình bà xếp vào diện nghèo của xã. Được Hội ND xã tín chấp với Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng, bà mạnh dạn đầu tư mô hình trang trại với diện tích 3 mẫu trên nền đất vườn của gia đình. Theo đó, gia đình bà tập trung cải tạo ao thả cá kết hợp chăn nuôi lợn, gà, vịt; trên bờ ao trồng chuối, ổi, rau màu... Với phương thức "lấy ngắn nuôi dài", đến nay, trang trại của gia đình bà sản xuất ổn định, thu lãi hơn 150 triệu đồng/năm.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Khuyên - hội viên nông dân xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH cũng xây dựng được mô hình chăn nuôi gà hiệu quả.

Anh Khuyên phấn khởi chia sẻ: Được Hội ND xã Dũng Tiến và Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV) của thôn hướng dẫn, anh vay được vốn từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện để phát triển mô hình nuôi gà đẻ. Đến nay, mô hình này đã đem lại thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Đồng vốn nhỏ đưa các mô hình kinh tế vươn xa - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, nhiều hộ nông dân xã Thuỵ An (Ba Vì, Hà Nội) đã đầu tư phát triển kinh tế trang trại hiệu quả. Ảnh: T.H

Tăng trưởng dư nợ nhưng chất lượng tín dụng ủy thác luôn được Ngân hàng CSXH TP.Hà Nội và các tổ chức Hội đoàn thể quan tâm, củng cố và nâng cao. Nợ quá hạn ủy thác qua hội đoàn thể đến 31/12/2020 là 1.840 triệu đồng, giảm 482 triệu đồng so với đầu năm, chiếm 0,02% tổng dư nợ ủy thác. Kết quả xếp loại Tổ TKVV cuối năm 2020 đã được nâng cao hơn so với năm 2019.

Ông Nghiêm Xuân Huy - Chủ tịch Hội ND xã Dũng Tiến cho biết: "Trong những năm qua, Hội ND xã luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, phối hợp với Ngân hàng CSXH để thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác vốn. Hiện nay, Hội ND xã đang quản lý 7 tổ TKVV, dư nợ ủy thác đạt trên 7,4 tỷ đồng với 245 hộ vay; không có nợ quá hạn; số dư tiết kiệm đạt trên 305 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, nhiều hội viên nông dân đã phát triển kinh tế với các mô hình trồng bưởi, thả cá, nuôi lợn, gà, vịt…

Hơn 114.000 lượt hộ vay vốn

Theo báo cáo Ngân hàng CSXH TP.Hà Nội, đến 31/12/2020, tổng dư nợ ủy thác của ngân hàng qua các Hội đoàn thể (gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên) đạt 10.155 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ.

Dư nợ ủy thác tăng 1.767 tỷ đồng so với đầu năm, với hơn 245.000 hộ còn dư nợ tại 7.118 Tổ TKVV, dư nợ bình quân đạt 41 triệu đồng/hộ.

Thông qua 16 chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho trên 114.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Hà Nội được vay vốn tại Ngân hàng CSXH.

Các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng CSXH đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, đặc biệt, đã hỗ trợ kịp thời các hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn khắc phục ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch Covid-19, duy trì và khôi phục chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh.

Trong năm 2020, Ngân hàng CSXH đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể các cấp triển khai công tác phòng, chống dịch tại trụ sở, tại các điểm giao dịch. Đồng thời, ngân hàng cũng tăng cường cán bộ hỗ trợ tại các điểm giao dịch để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo tiến độ giao dịch phục vụ khách hàng thông suốt, hiệu quả.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, Ngân hàng CSXH TP.Hà Nội và các tổ chức hội đoàn thể tiếp tục tăng cường công tác phối hợp; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ hội đoàn thể nhận ủy thác trong việc theo dõi, quản lý, đôn đốc, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TKVV. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, vận động người nghèo và các đối tượng chính sách khác tham gia gửi tiết kiệm qua tổ, tạo ý thức tiết kiệm và nguồn tích lũy để trả nợ khi đến hạn... để nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, an toàn và sử dụng có hiệu quả. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem