Từ sự kiện Tim Cook đến Việt Nam: Phong cách truyền thông "không giống ai" của Apple

Trần Triều Thứ ba, ngày 16/04/2024 15:07 PM (GMT+7)
Chiến lược truyền thông "mình không nói về bản thân mà tạo ra câu chuyện để mọi người bàn tán về mình" được Apple thực hiện nhất quán nhiều năm qua.
Bình luận 0

Tim Cook - CEO của Apple bất ngờ xuất hiện tại Việt Nam. Sau khi ăn sáng, uống cà phê trứng với mẹ con ca sĩ Mỹ Linh, ông được KOL công nghệ Duy Thẩm dẫn đi dạo một chút ở Hồ Gươm.

Sự kiện gây bất ngờ và gợi ra nhiều tò mò cho người dân Việt Nam, đặc biệt là giới truyền thông. Nhiều nhà báo thắc mắc, cỡ như Tim Cook, khi đến Việt Nam, tại sao không tổ chức họp báo rầm rộ? Tại sao chỉ gặp đúng 1 KOL (key opinion leader - người dẫn dắt xu hướng) chứ không gặp thật nhiều KOL để tạo một cú nổ lớn về truyền thông?

Một người có sức ảnh hưởng quá lớn nhưng lại xuất hiện theo cách quá đơn giản. Đó là điều bất ngờ mà Tim Cook đã dành cho Việt Nam. Kênh CNBC (Mỹ) viết: "CEO Apple - Tim Cook thăm Việt Nam - một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của gã khổng lồ iPhone". Theo kế hoạch, Tim Cook sẽ hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính trong ngày 16/4 để đưa ra các đề xuất liên quan đến nội dung Apple đầu tư vào Việt Nam.

Từ sự kiện Tim Cook đến Việt Nam: Phong cách truyền thông "không giống ai" của Apple- Ảnh 1.

Đoạn Tweet của Tim Cook về cuộc trò chuyện với Duy Thẩm.

Nội dung giao lưu ngắn giữa Duy Thẩm và Tim Cook có bàn đến chức năng bổ trợ quay video trên iPhone. Hẳn là người điều hành tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này qua Việt Nam vì công việc, không phải đi chơi.

Về mặt truyền thông, tại sao Tim Cook chọn cách xuất hiện không báo trước, không rầm rộ, không bày biện "bàn tiệc thông tin" cho truyền thông dù Apple luôn dư điều kiện để làm điều đó?

Khi Steve Jobs (cha đẻ Apple) chia sẻ về việc sẽ chế tạo một chiếc điện thoại loại bỏ hoàn toàn phím cơ, người dùng chỉ cần chạm và lướt, hầu như không ai tin ông thành công. Dù Steve Jobs có thành công khi tạo ra nó thì việc thay đổi thói quen tiêu dùng cũng không dễ. 

Nhưng quan điểm của Steve Jobs là: Không chạy theo nhu cầu của người dùng mà tạo ra một sản phẩm đủ tốt để người dùng phải thay đổi thói quen dùng. Nói một cách nôm na, Apple không chạy theo người dùng mà bắt người dùng phải chạy theo Apple. Và ông đã thành công.

Tim Cook nối bước Steve Jobs, hẳn nhiên, ông giữ nguyên quan điểm đó. Tức là tạo ra một sản phẩm đủ tốt để không cần quảng cáo mà người dùng vẫn phải phát sốt, phải mua nó cho bằng được.

Như vậy, bước đầu có thể lý giải tại sao Tim Cook không chọn cách tạo một chiến dịch truyền thông, quảng cáo rầm rộ nhân sự kiện lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Ông không chạy theo nhu cầu của giới truyền thông Việt Nam. Và tất nhiên, ông đủ mạnh, đủ tốt để giới truyền thông Việt Nam phải chạy theo ông.

Chiến lược truyền thông "mình không nói về bản thân mà tạo ra câu chuyện để mọi người bàn tán về mình" được Apple thực hiện nhất quán nhiều năm qua. Ngay cả sự kiện lớn là ra mắt dòng iPhone mới, khi hàng trăm triệu tài khoản mạng xã hội trên toàn cầu sục sôi bàn tán, thì tài khoản Apple (gần 3 triệu người theo dõi) trên Twitter (nay là X) không nhắc gì đến sản phẩm mới của họ. 

Từ sự kiện Tim Cook đến Việt Nam: Phong cách truyền thông "không giống ai" của Apple- Ảnh 2.

CEO Apple Tim Cook đăng ảnh trò chuyện cùng mẹ con diva Mỹ Linh và Mỹ Anh. Ảnh: X (Twitter)

Apple thường chọn cách tiếp cận chính người hâm mộ mình, để người đó truyền đi thông điệp. Đó là lý do Apple chọn Duy Thẩm, một người sáng tạo nội dung trẻ tuổi, có đến 7,6 triệu người theo dõi trên TikTok. 

Clip Thẩm trò chuyện với Tim Cook tại Hồ Gươm đã đạt đến 39,6 triệu lượt xem trên TikTok chỉ sau một ngày chia sẻ. Apple không tổ chức họp báo, cũng không gửi thông cáo báo chí cho báo đài, nhưng các phóng viên, biên tập viên đang phải chạy đôn chạy đáo theo ông để đưa tin.

Như vậy, chiến lược truyền thông của Apple càng thể hiện rõ hơn trong chuyến đến Việt Nam lần này của ông: Chọn đúng mục tiêu, tạo được tiếng vang trên mạng xã hội thông qua người hâm mộ, người ủng hộ và người ảnh hưởng trên Facebook, X, TikTok.

Ở chiều hướng ngược lại, vị đại diện của Apple cũng đã từng chia sẻ rằng: "Chúng tôi chú trọng đến chỉ số trung thành của khách hàng. Hiện Apple đang có chỉ số trung thành của khách hàng cao nhất thế giới trong lĩnh vực công nghệ. Tại sao chúng tôi phải quá lệ thuộc vào mạng xã hội khi đã có chỉ số trung thành của khách hàng rất tốt?".

Chiến lược truyền thông của Apple càng thể hiện rõ hơn trong chuyến đến Việt Nam lần này của ông: Chọn đúng mục tiêu, tạo được tiếng vang trên mạng xã hội thông qua người hâm mộ, người ủng hộ và người ảnh hưởng trên Facebook, X, TikTok.

Nói thẳng ra, thương hiệu của Apple hiện có giá xấp xỉ 200 tỷ USD, cao gấp đôi Facebook, bỏ xa X (X/Twitter chưa từng lọt vào top 20) thì Apple có thể tự quyết định "cách chơi" theo ý mình muốn.

Cái cách Tim Cook xuất hiện tại Hồ Gươm với trang phục không thể giản dị hơn, một lần nữa truyền thông điệp "hữu xạ tự nhiên hương" mà Apple đang nhất quán thực hiện trong tiếp thị. 

Apple có một slogan rất nổi tiếng: "Think different" (nghĩ khác). Apple đã chọn cách cho Tim Cook xuất hiện một cách đơn giản mà thú vị đến bất ngờ. Có lẽ, điều này xuất phát từ việc "nghĩ khác" của họ.

Rõ ràng, với sự xuất hiện này, Tim Cook chiếm được thiện cảm đối với người dân Việt Nam. Từ đó, ông tạo ra hiệu ứng tích cực về mặt công việc. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem