Tim Cook làm gì để biến Apple trở thành cỗ máy “in tiền” vĩ đại nhất lịch sử?
Trong phiên giao dịch thứ 4 (theo giờ Mỹ) có thời điểm cổ phiếu của Apple đạt mức 467,77 USD/cổ phiếu, giúp Apple lần đầu tiên cán mốc 2.000 tỷ USD. Kết thúc phiên giao dịch, Apple đã không thể duy trì được thành tích này khi cổ phiếu có xu hướng giảm nhẹ xuống còn 462,83 USD/cổ phiếu - tương đương giá trị 1,98 nghìn tỷ USD.
Mặc dù không giữ được lâu nhưng đây là cột mốc quan trọng với nhà sản xuất iPhone, qua đó giúp Apple củng cố danh hiệu công ty đại chúng đắt giá nhất thế giới.
Apple là công ty đầu tiên của Mỹ cán mốc 2.000 tỷ USD trên thị trường chứng khoán
Thống kê cho thấy, Apple mấy 42 năm để chạm mốc 1.000 tỷ, nhưng chỉ cần có 2 năm để vươn từ mốc 1.000 tỷ USD lên 2.000 tỷ USD. Đáng nói hơn nữa, Apple cán mốc 2.000 tỷ USD trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng chưa từng có do tác động từ đại dịch COVID-19.
Vì sao trong khi mà kinh tế thế giới khốn đốn vì dịch bệnh, Apple lại "bay bổng" với những con số gần như không tưởng. Tờ New York Times đã có những lý giải về nguyên nhân
Thăng hoa vì dịch bệnh?
Dịch bệnh bùng phát khiến cổ phiếu của nhóm Big Tech trở thành "điểm đến" mới của các nhà đầu tư. Ông Aswath Damodaran, giáo sư tài chính của Đại học New York nhấn mạnh: "Cổ phiếu công nghệ là chuyến bay mới đến sự an toàn".
Các công ty giàu có, linh hoạt và hoạt động trên nền tảng số là những người được hưởng lợi từ đại dịch. Ông Damodaran ví von nhóm Big Tech như những Goliaths mới.
Giữa tháng 3 năm nay, Apple còn mất mốc 1.000 tỷ USD khi thị trường lao dốc do lo ngại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.
Ngày 23/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố các biện pháp tích cực để trấn an các nhà đầu tư. Kể từ đó, cổ phiếu của nhóm Big Tech, trong đó có Apple đã đi lên gần như theo chiều thẳng đứng.
Giá trị của 5 đại gia công nghệ Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook đã tăng gần 3 nghìn tỷ USD kể từ ngày 23/3, gần bằng mức tăng trưởng của 50 công ty giá trị nhất trong danh sách S&P 500 cộng lại, bao gồm cả những tên tuổi như Berkshire Hathaway, Walmart và Disney.
Ước tính, giá trị của Apple tăng khoảng 6,8 tỷ USD mỗi ngày, cao hơn tổng giá trị của hãng hàng không American Airlines.
Ước tính giá trị của Apple tăng khoảng 6,8 tỷ USD mỗi ngày, cao hơn cả giá trị của hãng hàng không American Airlines
Hoạt động kinh doanh của các công ty ở Thung lũng Silicon càng thêm vững chắc bởi đại dịch vì lúc này mọi người gần như buộc phải làm việc, học tập ở nhà. Từ tháng 4 đến tháng 6, ngay cả khi phải đóng cửa nhiều cửa hàng bán lẻ vì sự lây lan của virus, Apple vẫn đạt lợi nhuận 11,25 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kì năm trước. Gặp khó ở Mỹ, Apple lại tăng doanh số bán hàng của mình trên toàn cầu.
Ông Luca Maestri, Giám đốc tài chính của Apple, trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng trước nhấn mạnh: "Các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi rất phù hợp với cuộc sống mọi người. Thậm chí còn phù hợp hơn trong đại dịch".
Tuy nhiên, ông Maestri cũng phản bác lại quan điểm rằng đại dịch đang khiến Apple có lợi cho công việc kinh doanh. Ông khẳng định, Táo khuyết sẽ còn kiếm được hàng tỷ USD nếu không có đại dịch.
Cỗ máy "in tiền"
Apple lần đầu tiên chạm mốc 1.000 tỷ USD vào tháng 8/2018 sau nhiều thập kỷ đổi mới, sáng tạo.
Công ty do Steve Jobs và Steve Wozniak thành lập năm 1976, đã cho ra đời những sản phẩm thay đổi thế giới như máy tính Macintosh, máy nghe nhạc iPod, kho ứng dụng App Store hay chiếc điện thoại thông minh iPhone.
Apple dưới thời Tim Cook được đánh giá không sáng tạo như Apple dưới thời của Steve Jobs
Tờ New York Times đánh giá, kể từ sau iPhone những thế hệ đầu tiên, Táo khuyết gần như chỉ "chỉnh sửa" những sáng tạo trong quá khứ, "bán các tiện ích" để kiếm lời với những sản phẩm kiểu như Apple Watch Series 5, AirPods Pro và iPhone 11 Pro Max.
Công ty cũng đẩy mạnh mảng dịch vụ như âm nhạc trực tuyến, phim và các chương trình truyền hình trực tuyến, bán tin tức, phát hành thẻ….
Tim Cook đã xây dựng một chuỗi cung ứng toàn cầu khổng lồ đủ để sản xuất hàng tỷ thiết bị, đồng thời tập trung vào một số dòng sản phẩm để giữ khách hàng trong hệ sinh thái khép kín của mình. Từ đó, người dùng tự sắm các thiết bị mới vài năm một lần và trả phí hàng tháng để dùng các dịch vụ mới mà công ty này ra mắt.
Apple bị chỉ trích vì hành vi độc quyền trên App Store, một nguồn thu đáng kể của công ty. Để ứng dụng của mình được duyệt lên kho, nhà phát triển phải trả phí 99 USD hàng năm và chia 30% doanh thu ứng dụng cho Apple.
Nhưng vấn đề lớn hơn là, nếu không được duyệt, ứng dụng đó không có cách nào để tiếp cận người dùng iPhone (như tải qua website hay kho ứng dụng bên thứ ba). Đây cũng là một phần lý do khiến CEO Tim Cook phải có phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ vì hành vi độc quyền.
Không sáng tạo bằng nhưng Tim Cook đã biến Apple trở thành cỗ máy “in tiền” vĩ đại nhất trong lịch sử
Bên cạnh đó, Apple cũng đã sử dụng một công cụ mạnh mẽ khác để nâng cao giá trị và làm giàu cho các nhà đầu tư và giám đốc điều hành: mua lại cổ phiếu.
Kể từ khi giá trị của công ty đạt 1 nghìn tỷ USD, Apple đã trả lại 175,6 tỷ USD cho các cổ đông, bao gồm cả 141 tỷ đô la mua lại cổ phiếu. Apple đã mua lại hơn 360 tỷ USD cổ phiếu của chính mình kể từ năm 2012 và dự kiến sẽ còn chi thêm trong tương lai.
Mua lại cổ phiếu thường làm tăng giá cổ phiếu của các công ty. Lý do bởi việc này làm giảm số lượng cổ phiếu bán ra. Các chuyên gia tài chính cho rằng, đây là hoạt động làm tăng sự bất bình đẳng sẽ làm giàu cho các nhà đầu tư giàu có và các giám đốc điều hành, những người thường là cổ đông lớn, như trường hợp của Apple.