dd/mm/yyyy

Tìm hướng phát triển đàn đại gia súc miền núi phía Bắc

Chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, ngựa, dê...) từ lâu đã trở thành nghề truyền thống của nhiều hộ nông dân vùng miền núi phía Bắc, giúp nhiều gia đình khấm khá. Tuy nhiên do bà con chủ yếu chăn nuôi ở quy mô nhỏ, thả rông nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa như mong muốn.

Nhằm góp phần đẩy mạnh nghề chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá, đem lại giá trị kinh tế cao, ngày 8/8, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc các tỉnh miền núi phía Bắc”.

Người dân thôn Nà Ngoa, xã Thượng Giáp (Na Hang, Tuyên Quang) chăn nuôi đại gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao. baotuyenquang
Người dân thôn Nà Ngoa, xã Thượng Giáp (Na Hang, Tuyên Quang) chăn nuôi đại gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao. baotuyenquang

Giàu lên nhờ nuôi trâu, bò, ngựa

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), vùng miền núi phía Bắc có lợi thế về diện tích rừng, nhiều đồng cỏ tự nhiên có thể nuôi trâu, bò, dê ngựa rất tốt, trong đó trâu khỏe hơn và chịu được độ ẩm, dễ thích nghi với điều kiện chăn thả trong rừng nên đàn trâu ở vùng này luôn chiếm hơn một nửa tổng đàn trâu cả nước, với khoảng 1,367 triệu con (năm 2018).
Đặc biệt, nhờ có điều kiện thời tiết khí hậu phù hợp, nguồn thức ăn dồi dào nên trâu ở vùng miền núi phía Bắc có tầm vóc lớn, một số tỉnh như Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình nổi tiếng có những đàn trâu to khỏe, sinh sản tốt, tỷ lệ thịt xẻ cao, có thể cung cấp đủ giống cho cả nước.

Đối với bò thịt và bò sữa, miền núi phía Bắc cũng có nhiều thế mạnh khi năm 2018, tổng đàn bò thịt của toàn vùng đạt hơn 1 triệu con, tăng 3,29% so với năm 2017; đàn bò sữa 28.685 con,

Theo bà Hạ Thuý Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, diễn đàn đã nhận được rất nhiều câu hỏi của người dân về giống bò, giống cỏ, phòng bệnh tai xanh, tụ huyết trùng, phương pháp vỗ béo trâu bò, tiêm vaccine, cách ủ rơm cho trâu bò ăn mùa đông… Trong đó, các vấn đề về chính sách hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc của nhà nước như con giống, thủ tục vận chuyển gia súc, phí và các loại phí giết mổ…; thông tin thị trường, giá cả cũng được bà con đặt câu hỏi, cho thấy người dân ngày càng quan tâm tới việc chăn nuôi đại gia súc.

tăng trên 9% so với cùng kỳ năm 2017, tập trung chủ yếu ở Sơn La, Tuyên Quang. Sản lượng sữa năm 2018 đạt trên 107.000 tấn, tăng 10,2% so với cùng kì năm 2017.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, số hộ nuôi bò sữa quy mô nhỏ dưới 5 con/hộ ngày càng giảm do lợi nhuận thấp, giá thành cao, trong khi mô hình gia trại quy mô 10 con trở lên ngày càng tăng. Các công ty, doanh nghiệp ngành sữa ngày càng liên kết chặt chẽ với bà con nông dân trong phát triển đồng cỏ và chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp, khép kín từ khâu chăn nuôi, chế biến đến tiêu thụ sữa. Đơn cử như tại Mộc Châu (Sơn La), ngoài việc phát triển đàn bò sữa tại các trại cũ, hiện nay Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu đã xây dựng thí điểm một trang trại khép kín với công nghệ hiện đại, quy mô ban đầu 500 - 1.500 con/trại và đang cho kết quả tốt.

Nhờ chăn nuôi trâu, bò, ngựa mà nhiều hộ gia đình ở miền núi phía Bắc đã thoát nghèo, có của ăn của để. Anh Chúc Cằn Ngài, thôn Nà Ngoa, xã Thượng Giáp (huyện Na Hang, Tuyên Quang) cho biết, trước đây gia đình anh là hộ nghèo trong thôn. Năm 2016, được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang cho vay 50 triệu đồng, anh mua 2 con trâu và 1 con bò về nuôi vỗ béo. Chỉ sau gần 3 năm, anh đã có trong tay 6 con trâu, 3 con bò và 4 con ngựa bạch. Trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Nâng giá trị từ khâu giống

Tuy nhiên, tại diễn đàn, các đại biểu cũng chỉ ra, chăn nuôi đại gia súc các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn chưa bền vững; giá trị gia tăng thấp; công tác quản lý còn nhiều thiếu sót, bất cập. Do thiếu kiến thức chăn nuôi, thả rông trên rừng, không tiêm phòng vaccine định kỳ… nên mỗi năm khi tới mùa đông, lại có hàng chục ngàn con trâu bò bị chết vì rét. Có năm, khu vực miền núi phía Bắc, đàn gia súc chết đói, chết rét lên tới hơn 20.000 con, khiến nông dân thiệt hại rất lớn.
Được biết, để hỗ trợ bà con nâng cao chất lượng đàn gia súc, nâng cao trình độ chăn nuôi, những năm qua Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai xây dựng dự án cải tạo chất lượng đàn bò, đàn trâu địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo, nhằm đạt năng suất thịt, chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông quốc gia thăm các mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo tại các xã Trung Hòa, Vinh Quang (Chiêm Hoá).
Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông quốc gia thăm các mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo tại các xã Trung Hòa, Vinh Quang (Chiêm Hoá).

Trong đó, dự án “Chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ” triển khai ở Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình đã thực hiện bình tuyển những giống trâu có chất lượng tốt để lai tạo. Kết quả mô hình cho thấy tỷ lệ phối chửa đàn trâu đã tăng lên trên 60%, khối lượng nghé sơ sinh đạt bình quân 23,36 kg/con, việc lựa chọn trâu có ngoại hình to, khỏe cho lai xa đã giúp phát huy ưu thế lai, giảm hiện tượng cận huyết, khối lượng nghé sơ sinh lớn hơn, đặc biệt tỷ lệ thụ thai cao hơn so với chăn nuôi thông thường. Do đó các hộ tham gia mô hình dự án có hiệu quả kinh tế cao hơn 11% so với chăn nuôi truyền thống.

Hay như mô hình cải tạo đàn trâu địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, dự án cũng đã chọn được trâu cái có khối lượng trên 350 kg, sử dụng tinh trâu Murrah để cải tạo, tỷ lệ phối giống có chửa đạt trên 38,2%. Khối lượng sơ sinh 30,9 kg, trong khi nghé nội địa phương là 23 kg, như vậy khối lượng tăng hơn nghé nội 33%. Do nâng cao khối lượng nghé sơ sinh và 6 tháng tuổi nên hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia mô hình tăng 12,5% so với chăn nuôi truyền thống.

Để phát triển chăn nuôi gia súc lớn nhằm phát huy thế mạnh của vùng núi phía Bắc, giúp đồng bào các dân tộc nâng cao thu nhập, ông Tống Xuân Chinh cho rằng cần có quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi theo hướng lâu dài, an toàn, bền vững. Xác định rõ khu vực và quỹ đất dành cho phát triển chăn nuôi trang trại, chợ đầu mối, giết mổ, chế biến và vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi phù hợp...

Chú trọng khâu tuyển chọn nhân giống, nhập giống để có giống tốt cung ứng cho người chăn nuôi; mạnh dạn loại bỏ giống trâu, bò, ngựa, dê xấu, kém chất lượng. Phát huy tối đa khả năng hoạt động của hệ thống thụ tinh nhân tạo trâu, bò, lợn và quản lý đàn đực giống trong sản xuất.
Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi; khuyến khích thực hiện Quy trình thực hành chăn nuôi tốt nhằm phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn; quản lý được chất thải trong chăn nuôi tốt hơn...

Bài, ảnh: Thiên Hương