Đơn xin phá sản của Thai Airways được phê duyệt
Trước đó, vào chiều tối 26/5, Thai Airways International Pcl đã đệ đơn xin phá sản lên Tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan.
Hiện Thai Airways còn khoản nợ tồn lên tới 200 tỷ baht (khoảng 6,2 tỷ USD), trong số đó có tới 49% là của chủ nợ nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ, Anh và Đức.
Tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan cho biết phiên điều trần đầu tiên sẽ bắt đầu từ ngày 17/8. Đồng thời tuyên bố cho phép các chủ nợ của THAI có thể phản đối quá trình tái cơ cấu trong tối đa ba ngày trước phiên điều trần đầu tiên.
Theo Phó Thủ tướng Thái Lan, Wissanu Krea-ngam, quyết định trên đã giúp Thai Airways vẫn có thể tiếp tục tồn tại. Bên cạnh đó ngăn các chủ nợ kiện hãng hàng không này ở Thái Lan cũng như chỉ có thể nộp đơn kiến nghị doanh nghiệp này trả nợ.
Vào hôm thứ Hai (25/5), hãng này đã bổ nhiệm 4 thành viên mới vào Hội đồng quản trị, trong đó bao gồm cựu CEO Piyasvasti Amranand - người từng giữ vai trò lèo lái hãng bay từ năm 2009 đến 2012.
Tuần trước, Chính phủ Thái Lan đã giảm tỷ lệ sở hữu trong hãng hàng không quốc gia này xuống còn 47,86%, chấm dứt tình trạng hãng hàng không là doanh nghiệp nhà nước theo luật pháp Thái Lan. Tuy nhiên Chính phủ Thái Lan vẫn là cổ đông lớn và giữ tiếng nói quan trọng.
Thai Airways là hãng hàng không 4 sao theo xếp hạng của hãng tư vấn uy tín Skytrax, đồng thời là hãng bay lớn nhất Thái Lan kể từ khi thành lập năm 1988. Từ 2 sân bay chính của hãng là Suvarnabhumi và Phuket, Thai Airways đã thực hiện hành trình tới 84 địa điểm thuộc 37 quốc gia khác nhau.
Hãng từng vận hành 2 chuyến bay thẳng dài nhất thế giới từ Bangkok đến các thành phố Los Angesles và New York của Mỹ, nhưng sau đó đã ngừng khai thác do phí nhiên liệu quá cao. Ở thị trường châu Âu, Thai Airways là hãng hàng không đầu tiên của châu Á - Thái Bình Dương đã thiết lập dịch vụ tại sân bay quốc tế Heathrow (London, Anh). Ngoài ra, đây cũng là hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương sở hữu lượng hành khách đông đảo nhất nhì ở châu Âu.