Thai Airways không còn là doanh nghiệp nhà nước của Thái Lan
Truyền thông sở tại ngày 23/5 dẫn một nguồn tin trong quỹ này cho biết việc mua cổ phần được thực hiện với giá 4 baht/cổ phiếu (khoảng 0,125 USD/cổ phiếu).
Với giao dịch này, số lượng cổ phiếu do Bộ Tài chính Thái Lan nắm giữ tại Thai Airways giảm xuống 48%, khiến cho hãng hàng không này ngay lập tức mất đi quy chế doanh nghiệp nhà nước.
Theo nguồn tin trên, Quỹ Vayupak 1 là một pháp nhân chứ không phải là một doanh nghiệp nhà nước, ngay cả khi quỹ này được thành lập theo một nghị quyết của nội các năm 2003.
Truyền thông cũng dẫn lời một nguồn tin tại Bộ Tài chính nói rằng Thai Airways giờ đây sẽ nộp đơn lên Tòa án Phá sản để thực hiện quá trình phục hồi theo luật phá sản, trong đó hãng hàng không này tự đề xuất là bên lên kế hoạch phục hồi.
Nguồn tin này nhận xét quá trình trên cần được triển khai càng sớm càng tốt, nếu không các chủ nợ có thể tự nộp đơn lên tòa án để xin trở thành bên lên kế hoạch.
Trong khi đó, các bộ Tài chính và Giao thông sẽ thành lập một “siêu ủy ban” để giám sát kế hoạch phục hồi dành cho Thai Airways.
Ủy ban này sẽ do Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề pháp lý của Chính phủ Wissanu Krea-ngam đứng đầu.
Thai Airways từng là một niềm tự hào trong số các doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi ở Thái Lan. Nhưng hiện hãng hàng không này đang ngập trong nợ nần với khoản nợ quá hạn khoảng 200 tỷ baht (khoảng 6,2 tỷ USD), trong đó 30% là nợ ở trong nước.
Hãng hàng hàng không quốc gia này thông báo lỗ ròng 2,11 tỷ baht (khoảng 65,8 triệu USD) trong năm 2017.
Con số này sau đó tăng vọt lên 11,6 tỷ baht (363,6 triệu USD) vào năm 2018 và 12 tỷ baht (376,2 triệu USD) trong năm 2019.
Do tác động của đại dịch COVID-19, Thai Airways đã buộc phải ngừng các hoạt động cho tới cuối tháng 5/2020 và dự kiến sẽ phải chịu mức lỗ kỷ lục 18 tỷ baht (564 triệu USD) trong nửa đầu đầu năm 2020./.