Tổng hợp loạt tổ chức dự báo đường đi của tỷ giá USD/VND năm 2022

17/01/2022 16:24 GMT+7
Standard Chartered dự báo tỷ giá USD/VND sẽ đạt 22.500 vào giữa năm 2022 và 22.300 vào cuối năm 2022. Trong khi đó, các chuyên gia phân tích tại BSC ước tính, tỷ giá liên ngân hàng nhiều khả năng sẽ nằm trong khoảng từ 23.100-23.200 VND/USD.

Báo cáo phân tích vừa phát hành của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, tỷ giá liên ngân hàng nhiều khả năng sẽ nằm trong khoảng từ 23.100-23.200 đồng/USD, lần lượt tăng từ 0,7% - 1,2% so với năm 2021.

Nguyên nhân chính, là do Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo đó, việc Fed dừng việc thu mua trái phiếu và nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022 sẽ khiến nguồn cung USD suy giảm và từ đó tăng mạnh giá trị đồng tiền này trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ loại Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ và quyết định gia tăng mối quan hệ thương mại song phương là tín hiệu tốt cho chính sách gia tăng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

"Hiện tượng này có thể đảm bảo biến động của tỷ giá nằm dưới biên độ 2% của Ngân hàng Nhà nước", theo các chuyên gia BSC.

Đường đi của tỷ giá USD/VND năm 2022 - Ảnh 1.

Năm 2022, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng nhiều khả năng tăng từ 0,7% - 1,2%.

Về nguồn cung ngoại tệ, theo BSC dự trữ ngoại hối vẫn sẽ duy trì trạng thái dồi dào. Theo đó, tình trạng xuất siêu dự tính sẽ tiếp tục trong năm 2022 khi các yếu tố vĩ mô vẫn đang ủng hộ xu hướng xuất siêu của Việt Nam. Theo tính toán của BSC, con số này ước tính đạt 5,2 - 6,9 tỷ USD.

Bên cạnh đó, nguồn kiều hối ước tính có tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm ở mức 4,4% và đạt 18,9 tỷ USD vào năm 2022. Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách thu mua ngoại tệ nhằm nâng cao dự trữ ngoại hối.

Liên quan đến tỷ giá, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV ước tính, tỷ giá dự kiến tăng ở mức 0,5-1% so với cuối năm trước với 5 lý do gồm: hoạt động kinh tế phục hồi khiến nhu cầu thanh toán, vay ngoại tệ bằng đồng USD tăng lên; Fed thực hiện thu hẹp nới lỏng định lượng, tăng lãi suất, khiến cho giá trị đồng USD duy trì ở mức cao; dự trữ ngoại hối duy trì ở mức cao giúp giá trị VND ổn định; cán cân thương mại dự báo tiếp tục thặng dư; và kiều hối tiếp tục tăng so với năm 2021, hỗ trợ tỷ giá ổn định.

Đường đi của tỷ giá USD/VND năm 2022 - Ảnh 2.

Standard Chartered dự báo tỷ giá USD/VND sẽ đạt 22.500 vào giữa năm 2022 và 22.300 vào cuối năm 2022. (Ảnh: TN)

Trước đó, đề cập trong Báo cáo nghiên cứu toàn cầu do Ngân hàng mới công bố mang tựa đề "Tiếp tục chống chọi với các thách thức" và báo cáo kinh tế vĩ mô chuyên sâu về Việt Nam mang tựa đề "Việt Nam - quay trở lại với mức tăng trưởng cao", các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered duy trì triển vọng trung hạn tích cực đối với Việt Nam đồng, trong bối cảnh cán cân thanh toán tiếp tục mạnh mẽ.

"Mức tăng giá của VND kể từ tháng 7/2021 cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã quản lý tỷ giá một cách linh động hơn. VND là một trong số những đồng tiền đang nổi ổn định nhất trong năm 2021", báo cáo đề cập.

Tuy nhiên, Standard Chartered dự đoán mức độ tăng giá của VND sẽ chậm lại do tài khoản vãng lai của Việt Nam đang bị thâm hụt và tỷ giá USD/VND đang tiếp cận những giới hạn của biên độ tỷ giá. Thặng dư cán cân thanh toán và sự linh động trong chính sách ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ VND trong trung hạn.

Standard Chartered dự báo tỷ giá USD/VND sẽ đạt 22.500 vào giữa năm 2022 và 22.300 vào cuối năm 2022.

Hiện, giá USD mua/bán tại Vietcombank trong phiên giao dịch ngày hôm nay (17/1) lần lượt là 22.540 đồng/USD và 22.850 đồng/USD. Tại sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, hiện đang được niêm yết mua vào tại 22.650 và bán ra tại 23.150 đồng/USD.

Thống kê của các chuyên gia BSC cũng đã chỉ ra rằng, trong năm 2021, tỷ giá USD/VND duy trì xu hướng đi ngang khi tình trạng xuất siêu Việt Nam đạt mốc 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tính đến ngày 13/12, tỷ giá trung tâm tăng 0,33% so với đầu năm, tỷ giá liên ngân hàng giảm nhẹ 0,7% so với đầu năm, trong khi tỷ giá tự do tăng mạnh 1,29% so với đầu năm.

Tỷ giá USD/VND được hỗ trợ chủ yếu từ nhu cầu VND tăng cao, dựa trên các lý do sau nhu cầu sử dụng đồng USD trong quý III/2021 tại Việt Nam suy giảm mạnh do các hoạt động nhập khẩu bị cản trở bởi lệnh giới nghiêm kinh tế, Nguồn vốn giải ngân, Dự trữ ngoại hối duy trì ở mức cao sau khi Việt Nam được gỡ bỏ khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục