Tổng Kiểm toán Nhà nước: Dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát, tiết lộ số nợ công mỗi người Việt đang gánh
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 23/5 Quốc hội nghe Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020.
Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, dự toán NSNN năm 2020 được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, thiên tai, bão lũ xảy ra nghiêm trọng ở miền Trung, Tây Nguyên, … tác động lớn đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN, ngoài dự báo khi Chính phủ trình và Quốc hội quyết nghị kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN năm 2020.
Song, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc; doanh nghiệp, người dân đồng hành ủng hộ đã góp phần hạn chế những tác động gây sốc, tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, và thu chi NSNN năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 2,91%, giảm so với kế hoạch 6,8% nhưng vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng dương; thu NSNN xấp xỉ dự toán, riêng thu nội địa vượt dự toán; chi NSNN cơ bản đảm bảo thực hiện theo dự toán.
Tuy nhiên, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 và tổng hợp kết quả kiểm toán chủ yếu của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2021, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra một số vấn đề cần tiếp tục liên quan đến vấn đề lập và giao dự toán; chấp hành ngân sách; bội chi NSNN; nợ công; quyết toán NSNN phải chấn chỉnh, khắc phục trong những năm tới.
Dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát, chậm báo cáo quyết toán ngân sách
Cụ thể, dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với khả năng nguồn thu, các địa phương lập dự toán chỉ bằng 72% so với ước thực hiện năm 2019. Mặc dù Trung ương đã giao dự toán cao hơn số địa phương lập 18,3%, song thực hiện thu sử dụng đất năm 2020 vẫn vượt dự toán 80,4%, việc thu vượt dự toán lớn đã diễn ra nhiều năm.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán cho thấy còn trường hợp giao kế hoạch vốn chậm, điều chỉnh nhiều lần, điều chỉnh sau ngày 15/11/2020 chưa phù hợp quy định; chưa bố trí đủ, thậm chí không bố trí kế hoạch vốn để thanh toán cho một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2020 trở về trước.
Một số bộ, cơ quan trung ương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án thuộc danh mục dự án dự kiến sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhưng sau đó không được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Một số địa phương phân bổ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho 53 dự án khởi công mới trong khi chưa ưu tiên cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 71/2018/QH14.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh chỉ ra rằng, tại một số bộ, cơ quan trung ương giao và phân bổ chưa đầy đủ cơ sở, căn cứ; không phân bổ hết dự toán theo quy định; giao dự toán kinh phí thường xuyên, không thường xuyên chưa đảm bảo đúng quy định.
19/45 địa phương được kiểm toán bố trí dự phòng ngân sách tại cấp tỉnh hoặc cấp huyện chưa đảm bảo tỷ lệ quy định; 02/45 địa phương giao dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp khoa học công nghệ thấp hơn dự toán Trung ương giao.
Cùng với đó, quyết toán năm 2020 bằng 98,1% so với dự toán giao, trong đó thu nội địa vượt 0,2% dự toán. Mặt khác, một số khoản thu chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 52,5% tổng thu nội địa nhưng đều hụt thu so với dự toán giao.
Đối với chi ngân sách nhà nước, qua kiểm toán cho thấy, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân chi đầu tư từ nguồn vốn ngoài nước thấp đã phần nào làm giảm hiệu quả đầu tư của nguồn vốn vay nước ngoài.
Ngoài ra, Chính phủ chưa kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét phương án bổ sung kế hoạch vốn làm cơ sở hạch toán, quyết toán theo quy định. Còn trường hợp dư nợ đọng xây dựng cơ bản của những dự án thực hiện trước năm 2015 nhưng năm 2021 mới bố trí một phần để thanh toán; một số địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn và phát sinh nợ xây dựng cơ bản trong năm 2021.
Cũng theo Báo cáo của Tổng kiểm toán Trần Sỹ Thanh, bội chi NSNN năm 2020 là 216.405,59 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP thực hiện, bằng tỷ lệ bội chi theo dự toán đầu năm và thấp hơn so với mức 5,41% GDP theo Nghị quyết số 128/2020/QH14; trong đó bội chi NSTW quyết toán 213.088,59 tỷ đồng, giảm 4.711,4 tỷ đồng so với dự toán, bội chi NSĐP quyết toán 3.316,99 tỷ đồng, giảm 13.683 tỷ đồng so với dự toán.
Dư nợ công đến 31/12/2020 là 3.520.601,39 tỷ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019, bằng 55,94% so với GDP (dưới mức trần 65% GDP). Như vậy, nợ công bình quân đầu người là 35,1 triệu đồng/người và có xu hướng tăng qua các năm (năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người).
Kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước
Trên cơ sở kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó: Xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN 25.396,3 tỷ đồng; xử lý khác 41.567,4 tỷ đồng; rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2021.
Cùng với đó chỉ đạo Bộ Tài chính tổ chức rà soát, kiểm tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời theo quy định đối với một số địa phương giao dự toán từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho các dự án chưa đảm bảo quy định; số vốn ngoài nước đã giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2019 trở về trước chưa hạch toán, quyết toán vào ngân sách nhà nước và số vốn viện trợ không hoàn lại đã thực nhận nhưng chưa được bố trí dự toán qua các năm.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh đối với những hạn chế trong việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao dự toán từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 tại Quyết định số 118/QĐ-TTg chưa hoàn toàn phù hợp quy định về thẩm quyền cơ quan chủ trì tham mưu;…
Ngoài ra, Kiểm toán nhà nước cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương kiểm điểm, chấn chỉnh đối với những hạn chế như phân bổ chi tiết kế hoạch vốn vượt mức vốn được duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa phù hợp đối tượng quy định, không được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn; giao kế hoạch vốn chậm và điều chỉnh kế hoạch vốn nhiều lần, thậm chí điều chỉnh sau ngày 15/11/2020, giao kế hoạch vốn nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn mà tại thời điểm giao các dự án chưa nằm trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn.