Tổng thống Biden sẽ áp dụng những lệnh trừng phạt nào đối với Nga?

Lê Phương (Time) Thứ sáu, ngày 25/02/2022 10:31 AM (GMT+7)
"Mỹ chuẩn bị áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga", Tổng thống Joe Biden cho biết hôm thứ Năm (24/2), nhằm đáp trả những hành động của Nga nhắm vào Ukraine.
Bình luận 0

Bài phát biểu của ông Biden hôm 24/2. Nguồn: Time

Hôm 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu chi tiết các biện pháp trừng phạt mở rộng đối với các tổ chức tài chính, doanh nghiệp lớn của Nga và nhiều cá nhân trong bộ máy của ông Putin. Nhà Trắng cũng đặt ra một số hạn chế đối với lực lượng quân đội và dân sự Nga mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, đặc biệt là hàng nhập khẩu công nghệ cao. 

"Hành động của Putin đối với Ukraine sẽ khiến Nga phải trả giá đắt về mặt kinh tế và chiến lược", Tổng thống Mỹ nói. "Chúng tôi đảm bảo điều đó".

Nhà Trắng đã công bố các quyết định trừng phạt với sự tham vấn của lãnh đạo Nhóm G7 và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC), sau các cuộc thảo luận sáng 24/2. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các thành viên Quốc hội Đảng Dân chủ và Cộng hòa kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Hành động của Nga đã kích hoạt hợp tác đa phương giữa các quốc gia đại diện cho hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu", Biden nói thêm. Liên minh châu Âu (EU), Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand và Vương quốc Anh đã đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự, theo Nhà Trắng.

"Chúng tôi sẽ hạn chế khả năng kinh doanh của Nga thông qua đồng USD, euro, bảng Anh và yen", ông Biden nói.

"Mỹ cũng như các quốc gia yêu tự do ở khắp mọi nơi sẽ phản đối hành động của Putin bằng mọi khả năng của mình", ông nhấn mạnh.

Cắt đứt quan hệ với các ngân hàng lớn của Nga 

Mỹ đang cắt đứt quan hệ với 10 tổ chức tài chính lớn nhất của Nga.

Các hạn chế đáng chú ý tập trung vào ngân hàng lớn nhất của đất nước, Sberbank cùng 25 công ty con của nó, chiếm hơn 1/3 tổng lượng tài sản tài chính của Nga. Các tổ chức tài chính lớn khác mà Mỹ sẽ hạn chế hoàn toàn bao gồm Ngân hàng VTB, Ngân hàng Otkritie, Sovcombank OJSC và Novikombank. Bất kỳ tài sản nào liên quan đến hệ thống tài chính của Mỹ sẽ bị phong tỏa và chính phủ Hoa Kỳ cũng như người dân bị cấm bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với các ngân hàng này. "Điều đó có nghĩa là mọi tài sản mà các ngân hàng này có ở Mỹ sẽ bị đóng băng," Biden nói tại cuộc họp.

Biden đã ngừng việc loại Nga khỏi SWIFT (Hệ thống liên ngân hàng quốc tế để chuyển thông tin và thực hiện thanh toán), ông giải thích rằng "các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi đề xuất đối với tất cả các ngân hàng của Nga có hiệu quả còn lớn hơn cả SWIFT". 

Tuy vậy, ông nói thêm rằng: "Loại trừ Nga khỏi SWIFT là một lựa chọn. Nhưng hiện tại, điều đó vẫn chưa phù hợp". Các quan chức châu Âu được cho là phản đối việc Nga bị loại khỏi SWIFT vì điều này có thể đồng nghĩa với việc các công ty và doanh nghiệp Nga sẽ khó có thể trả khoản nợ khoảng 30 tỷ USD mà họ nợ châu Âu.

Các biện pháp trừng phạt đối với một số cá nhân trong bộ máy của Tổng thống Putin

Nhà Trắng đã thêm hơn 10 người vào danh sách giới tinh hoa Nga (cũng các thành viên gia đình của họ) mà Hoa Kỳ trừng phạt vì hành động đối với Ukraine. Điều đó có nghĩa là bất kỳ tài sản nào mà những cá nhân này nắm giữ ở Mỹ sẽ bị đóng băng. Những cá nhân này sẽ bị cắt khỏi hệ thống tài chính của Mỹ và bị cấm đi du lịch đến nước này.

"Đây là những người đã đạt được lợi ích cá nhân từ các chính sách của Điện Kremlin, giờ đây họ cũng phải chịu trách nhiệm", Biden nói.

Về mặt chính thức, nhóm lãnh đạo này hiện nằm trong "Danh sách những người bị phong tỏa và công dân được chỉ định đặc biệt" tại Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ.

Các hạn chế đối với 13 tập đoàn lớn cùng nhiều tổ chức khác

Các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào 13 công ty lớn của Nga và các tổ chức khác ngoài lĩnh vực ngân hàng. Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ áp dụng các hạn chế nợ và vốn chủ sở hữu mới đối với các giao dịch liên quan đến công ty khí đốt nhà nước Gazprom, tổ chức tài chính hỗ trợ nông nghiệp của Nga và dịch vụ tàu hỏa của Đường sắt Nga.

Những tổ chức này - đại diện cho các lĩnh vực công nghiệp chính của Nga - không còn có thể huy động tiền thông qua thị trường Mỹ. Theo Nhà Trắng, động thái này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng huy động vốn và tạo doanh thu của Điện Kremlin.

Hạn chế đối với việc mua sắm quân sự của Nga

Hôm 24/2, ông Biden cho biết Mỹ sẽ nhắm mục tiêu cụ thể vào khả năng mở rộng quân sự của Nga. Nhà Trắng nhấn mạnh, những hành động này sẽ gây khó cho chiến lược của Putin.

Chính quyền Biden đang hạn chế xuất khẩu "gần như tất cả" các mặt hàng của Mỹ - cũng như các sản phẩm được sản xuất ở các quốc gia khác sử dụng công nghệ, thiết bị hoặc phần mềm của nước này - cho nhiều tổ chức, trong đó bao gồm cả Bộ Quốc phòng Nga.

Chặn việc Nga mua hàng hóa công nghệ cao của Mỹ

Rất nhiều nước trên thế giới sử dụng công nghệ bắt nguồn từ Mỹ, bao gồm cả Nga. Việc chặn nhập khẩu công nghệ cao (phi quân sự) có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Nga, bao gồm cả ngành công nghiệp quốc phòng và gây cản trở sự tăng trưởng dài hạn của nước này.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ hạn chế quyền truy cập của Nga vào những thiết bị và phần mềm của nước này, chẳng hạn như điện thoại thông minh, viễn thông, TV, điện tử hàng không, công nghệ hàng hải và trò chơi.

"Chúng tôi ước tính rằng Mỹ sẽ cắt giảm hơn một nửa số hàng xuất khẩu công nghệ cao đến Nga", ông Biden nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem