Trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam hoạt động chưa đúng công năng: Cơ quan quản lý ở đâu? (bài 2)

Nhóm PV Thứ sáu, ngày 25/08/2023 08:00 AM (GMT+7)
Trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam là một hạng mục bắt buộc phải có khi đầu tư tuyến đường cao tốc. Thế nhưng, nhiều trạm dừng nghỉ đang hoạt động lại thu tiền vệ sinh bằng mọi cách, hoạt động chưa phù hợp công năng, chỗ nghỉ ngơi cho tài xế, hành khách chưa hợp lý, các cơ quan quản lý đã từng đến hỏi thăm?
Bình luận 0

Buông lỏng quản lý các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam

"Trạm dừng nghỉ để làm gì?", hỏi và tự trả lời, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay: "Trạm dừng nghỉ nhằm phục vụ nhu cầu của tài xế và hành khách sử dụng dịch của tuyến cao tốc. Khi hành khách sử dụng dịch vụ đường cao tốc, người ta có chỗ để nghỉ ngơi, sử dụng dịch vụ mất tiền nhưng phải theo quy chuẩn của Bộ GTVT và theo quy chuẩn hiện hành.

Tức, trạm dừng nghỉ phải có đầy đủ hạ tầng, khu nhà vệ sinh, khu ở lưu trú, khu bán hàng lưu niệm, khu ăn nhẹ, khu nghỉ ngơi... tất cả trong trạm đó thường được quy định từ 3 – 5 ha".

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc hoạt động trái công năng, thu tiền vệ sinh: Cơ quan quản lý ở đâu? (Bài 2) - Ảnh 1.

Hình ảnh bên trong toà nhà trạm dừng nghỉ (Nhà hàng 99) trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: "Hiện nay, Bộ GTVT đã có các các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ theo thông tư 48/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT ban hành ngày 15/11/2012. Khi đầu tư dự án cao tốc, trạm dừng nghỉ là một hạng mục thiết yếu nằm trong dự án đầu tư đường cao tốc".

"Trạm dừng nghỉ cũng chính là hạ tầng của cao tốc bắt buộc nhà đầu tư phải đầu tư hạng mục này. Những hạng mục nêu trên cần phải được đầu tư bài bản, chứ không phải để cho có. Khi chủ đầu tư cao tốc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ phải đưa ra các điều kiện thực hiện theo đúng quy chuẩn của pháp luật hiện hành".

Nhưng ghi nhận thực tế của PV Dân Việt lại cho thấy, các trạm dừng nghỉ đang hoạt động trên cao tốc chưa đúng quy chuẩn của Bộ GTVT gây nên sự lộn xộn, mỗi nơi làm một kiểu. Để xảy ra việc này, có phải là do khâu quản lý không sát sao dẫn tới mỗi nơi làm một kiểu, không đạt các quy chuẩn?.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc hoạt động chưa đúng công năng, thu tiền vệ sinh: Cơ quan quản lý ở đâu? (Bài 2) - Ảnh 2.

Khu vực hành khách ngồi nghỉ tại trạm dừng nghỉ (Nhà hàng 99) trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Thực tế, khi vào đường cao tốc, các tài xế, hành khách đã trả tiền để sử dụng các dịch vụ đó thông qua việc mua vé qua trạm thu phí. Vậy nên, không thể ở trong nhà thì mọc ra siêu thị, còn để hành khách, tài xế ngồi ngoài hè tự chịu mưa, nắng, nóng, rét...

Ngoài ra, theo quy định khu nhà vệ sinh phải miễn phí, nhưng một số trạm dừng nghỉ lại đặt những thùng thu tiền, hay cho người đứng ở cửa thu tiền của hành khách bằng nhiều hình thức khác nhau, hay với hình thức là "ủng hộ tuỳ tâm" là không đúng.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc hoạt động trái công năng, thu tiền vệ sinh: Cơ quan quản lý ở đâu? (Bài 2) - Ảnh 3.

Thùng đựng tiền như thể tận thu tiền của hành khách vào đi vệ sinh với hình thức "ủng hộ".

"Bản chất, trạm dừng nghỉ bắt buộc phải có khu nhà vệ sinh cho khách vào đi vệ sinh và không được thu tiền. Khu nhà lưu trú, trả phí dịch vụ nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn và quy định về giá của Bộ Tài chính", Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu rõ.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, các khu vực bán hàng rong, bán hàng cho hành khách hoặc bán hàng lưu niệm nhưng phải nằm trong quy chuẩn của Bộ Tài chính quy định về khung giá.

Đặc biệt, cần giám sát chất lượng hàng hóa, cái đó thuộc về Tổng Cục Quản lí thị trường, trực thuộc các tỉnh, địa phương nơi có trạm đi qua phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa, quy chuẩn hàng hóa, chống hàng giả, giám sát về giá, tránh tình trạng chặt chém cà bán hàng giả.

Trạm dừng nghỉ hoạt động chưa đúng công năng

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: "Cần ngăn chặn tình trạng ép giá hành khách, hoặc niêm yết giá quá cao ép hành khách phải chấp nhận vì không có sự lựa chọn khác".

"Trong khi dịch vụ đấy thuộc về khách hàng được hưởng với giá hợp lý nhất vì đang sử dụng đường cao tốc. Nhưng nó lại đang phi lợi nhuận các dịch vụ đó để thu tiền là sai quy định, cũng cần làm rõ", Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu rõ quan điểm.

Vị này lấy ví dụ như tại cao tốc Hà Nội – Lào Cai đã đưa vào hoạt động khai thác đến năm thứ 8, nhưng trạm dừng nghỉ vẫn nhà mái tôn, và có thùng đựng tiền đặt tại khu vực vệ sinh bằng hình thức "ủng hộ" là rất phản cảm và không đúng quy định.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc hoạt động trái công năng, thu tiền vệ sinh: Cơ quan quản lý ở đâu? (Bài 2) - Ảnh 4.

Khu vực đỗ xe trên trạm dừng nghỉ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Từ Sỹ Sùa, Chuyên gia giao thông, cho rằng quy chuẩn quốc gia về trạm dừng nghỉ đã được quy định tại Thông tư 48 của Bộ GTVT. "Do đó, khi đầu tư một tuyến cao tốc, chủ đầu tư cần phải quy hoạch thiết kế vị trí trạm dừng nghỉ, vì đây là hạng mục không thể tách khỏi dự án. Các trạm dừng nghỉ khi được đầu tư bắt buộc phải có đầy đủ các công năng về trạm xăng dầu, khu nghỉ ngơi, nhà vệ sinh, khu bán hàng dịch vụ... theo quy mô của từng trạm", GS.TS Từ Sỹ Sùa nêu rõ.

 "Tại trạm dừng nghỉ, tài xế, hành khách rất quan tâm tới khu vệ sinh và khu nghỉ ngơi, ăn uống. Việc đi vệ sinh là nhu cầu cần thiết và được miễn phí, nhưng thực tế, một số trạm đặt những thùng đựng tiền tuỳ tâm hoặc có người đứng thu tiền là sai quy định của pháp luật, rất phản cảm. Hay trạm dừng nghỉ bố trí khách hàng ngồi ngoài hè, còn khu vực trong nhà trưng bày sản phẩm bán hàng như siêu thị là chưa phù hợp", GS.TS Từ Sỹ Sùa nhận xét.

GS.TS Từ Sỹ Sùa khẳng định, tối thiểu, trạm dừng nghỉ phải có khu vệ sinh miễn phí, khu nghỉ ngơi thoáng mát đảm bảo sức khoẻ của hành khách và tài xế. Việc này rất quan trọng nhằm đảm bảo sức khoẻ của tài xế sau 1 hành trình lái xe đường dài.

Cũng theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, cần ngăn chặn tình trạng ép giá, niêm yết giá hàng hoá quá cao. Vì tới trạm dừng nghỉ, hành khách không có sự lựa chọn khác để sử dụng dịch vụ. Do đó, Bộ GTVT có các quy định cụ thể về hoạt động của trạm dừng nghỉ và có sự giám sát của các cơ quan chức năng để trạm dừng nghỉ hoạt động đúng theo các quy định của pháp luật.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc hoạt động chưa đúng công năng, thu tiền vệ sinh: Cơ quan quản lý ở đâu? (Bài 2) - Ảnh 5.

Nước mưa hắt vào khu vực khách ngồi.

Theo thông tư 48/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT ban hành ngày 15/11/2012 quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ nêu rõ:

Công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí): Bãi đỗ xe; Không gian nghỉ ngơi; Phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; Khu vệ sinh; Nơi cung cấp thông tin;  Nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; Nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.

Công trình dịch vụ thương mại: Khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; Khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; Trạm cấp nhiên liệu; Xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện;  Nơi rửa xe; Phòng ngủ cho lái xe và hành khách lưu trú qua đêm.

Trách nhiệm của chủ đầu tư: Đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ phù hợp với quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ đã được phê duyệt và phù hợp với các quy định của Quy chuẩn tại thông tư này.

Đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ phải tuân thủ trình tự quản lý đầu tư xây dựng và các quy định liên quan khác của pháp luật; bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, bảo vệ môi trường.

Trách nhiệm của đơn vị khai thác trạm dừng nghỉ: Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ tại trạm dừng nghỉ; Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường tại trạm dừng nghỉ;

Cung cấp các dịch vụ miễn phí tại mọi thời điểm cho người có nhu cầu sử dụng. Thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất; phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ của trạm dừng nghỉ, thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước về trạm dừng nghỉ;

Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại trạm dừng nghỉ theo quy định; niêm yết nội quy của trạm dừng nghỉ; Chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

Định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo tình hình hoạt động cho Sở, Giao thông vận tải địa phương. Báo cáo tình hình hoạt động theo yêu cầu đột xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem