Dự án 10.000 tỷ đồng ở Quảng Ngãi: Người dân chưa tin cam kết về môi trường của chủ đầu tư (Bài 2)
Thiết bị xử lý nước thải trị giá khoảng 7,5 triệu Euro.
Liên quan đến lo ngại về ô nhiễm môi trường của nước thải NM Bột – Giấy VNT19 (sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động), gần đây nhất là vào tháng 2/2023, Sở TTTT tỉnh Quảng Ngãi đã chủ trì cuộc họp với chủ đầu tư, các cấp ngành chức năng để nói rõ hơn về vấn đề này.
Tại đây đại diện chủ đầu tư khẳng định, NM Bột – Giấy VNT19 ứng dụng và sử dụng công nghệ tiên tiến, phổ biến nhất hiện nay trên thế giới. Theo đó các thiết bị chính và phụ trợ hoạt động, giám sát, điều khiển, bảo vệ tự động hóa hoàn toàn, có độ chính xác và tin cậy cao.
Riêng đối với hệ thống xử lý nước thải của NM Bột – Giấy VNT19, tất cả sử dụng thiết bị nhập mới 100%, do nhà thầu AQUAFLOW (AQF) Phần Lan thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt và thực hiện chạy thử, với quy trình xử lý khép kín từ đầu vào, đến đầu ra.
Bên cạnh đó quá trình triển khai xây dựng và hoàn thiện, chủ đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động một số chỉ tiêu đặc trưng như lưu lượng, nhiệt độ, độ màu…nhằm kiểm soát, giám sát tốt nhất chất lượng nước thải trong suốt quá trình xả thải ra môi trường.
Thực hiện lấy mẫu nước thải để giám sát chất lượng nước thải hàng ngày, tại phòng thí nghiệm của nhà máy và chương trình giám sát định kỳ theo đúng quy định của pháp luật, với tần suất 3 tháng/lần.
Chưa tính các chi phí khác như thi công, lắp đặt… chỉ riêng tiền thiết bị xử lý nước thải của dự án, theo đại diện chủ đầu tư dự án NM Bột – Giấy VNT19, đã trị giá khoảng 7,5 triệu Euro.
Đại diện chủ đầu tư dự án NM Bột – Giấy VNT19 còn cho biết, hiện đã tiếp thu các ý kiến của các sở, ngành của tỉnh Quảng Ngãi, Bộ TN&MT, bổ sung các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, giám sát, bảo vệ.
Cụ thể, nâng công suất hồ sự cố theo thiết kế của nhà thầu Aquaflow từ 20.000m3, lên 50.000m3; bổ sung hồ sinh học với dung tích 25.000m3 tạo hệ thống liên hồ gồm: hồ sự cố và hồ sinh học với sức chứa 75.000m3, đủ để duy trì hoạt động và xử lý sự cố trong vòng 3 ngày.
Bổ sung hồ nuôi cá kiểm chứng (thả cá, sinh vật phù du, bọ nước, bèo, rong rêu…để kiểm chứng mức độ độc hại của nước thải); nước thải trước khi xả ra môi trường tiếp tục được kiểm tra tự động và có camera giám sát tại 2 điểm trước hồ sinh học và sau hồ nuôi cá.
Kết quả kiểm tra và hình ảnh, được truyền trực tiếp và liên tục 24/7 về Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi và Bộ TN&MT.
Nỗi ám ảnh về ô nhiễm môi trường biển
Không phải đến cuộc họp vào tháng 2/2023 vừa qua, mà tại hàng loạt cuộc họp, trả lời cơ quan chức năng và người dân trước đó, chủ đầu tư đều khẳng định, thiết bị sử dụng của NM Bột – Giấy VNT19 là hiện đại; nước xả thải trong quá trình hoạt động sau này đảm bảo quy định, không gây ô nhiễm…
Thế nhưng tất cả những gì mà chủ đầu tư NM Bột – Giấy VNT19 đã trình bày và khẳng định, chưa đủ sức thuyết phục, để nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương.
Theo thông tin mà PV Etime tìm hiểu và thu thập, gần như mỗi khi thấy có nhóm người lạ đi bằng xe ô tô đến khu vực vịnh biển Việt Thanh (nơi dự kiến đặt ống xả thải NM Bột – Giấy VNT19), người dân nơi đây đều dò xét, cảnh giác.
Khi thấy bất kì hành động gì như đo đạc, cắm mốc, vẽ….phục vụ thi công dự án NM Bột – GIấy VNT19, đều bị người dân kéo ra ngăn cản không cho và đuổi đi.
Một cán bộ Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi kể, vào đầu tháng 7/2023 vừa qua, khi cùng Đoàn công tác của tỉnh và huyện Bình Sơn, ra vịnh biển Việt Thanh kiểm tra thực địa, để giao khu vực biển cho Công ty Cổ phần Bột – Giấy VNT19, chủ dự án NM Bột – Giấy VNT19, thi công đoạn ống xả ngầm trên vịnh biển này.
Ngay lập tức, hàng chục người dân nơi đây kéo nhau ra cản trở, không cho thực hiện. Trước sự phản ứng dữ dội của người dân, Đoàn cán bộ đành phải dừng lại và ra về.
Nói về lý do ngăn cản, nhiều người dân nơi đây bày tỏ, vịnh biển Việt Thanh là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân xã Bình Trị và vùng lân cận của huyện Bình Sơn.
Dù không giàu nhưng từ đánh bắt, thả lưới tại vịnh biển này, cũng mang lại thu nhập vài trăm ngàn đồng/ngày, đủ để gia đình sinh sống suốt từ mấy chục năm qua.
Bây giờ khi chưa làm (xây, đặt đường ống xả thải), chủ nhà máy khẳng định không sao (không ô nhiễm). Nhưng sau này nếu xảy ra ô nhiễm, cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, ai sẽ là người đứng ra gánh trách nhiệm này?.